Nghị lực mùa thi: Nhọc nhằn không ngăn được giấc mơ của Nhật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/06/2019 08:09 GMT+7

Lớn lên không biết mặt cha, thương mẹ vì gánh nặng mưu sinh, Phan Đình Long Nhật nhiều tháng trời đi phụ hồ cùng mẹ, hoàn cảnh nhọc nhằn không ngăn được giấc mơ vào ĐH của chàng trai giàu ý chí.

Đó là Phan Đình Long Nhật, học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM). Nhật sinh ra ở miền quê nghèo xã Cảnh Dương, H.Quảng Trạch, Quảng Bình; tuổi thơ lớn lên chỉ có bóng mẹ tảo tần sớm hôm.

Cậu học trò đi bê gạch, trộn cát

 Khi Phan Đình Long  Nhật 15 tuổi, biến cố xảy ra, mẹ mất hết vốn liếng bao năm dành dụm, phải lang bạt đi trốn nợ. Nhật được gửi lên H.Hóc Môn (TP.HCM) sống nhờ một người dì để có thể tiếp tục việc học hành.
Khi Nhật 17 tuổi, mẹ lên TP.HCM làm đủ nghề mưu sinh từ buôn bán lặt vặt tới phụ hồ, hai mẹ con tá túc trong gian nhà trọ 8 m2. Mỗi ngày Nhật bắt xe buýt đi cả tiếng đồng hồ để từ ấp 1, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn tới Trường THPT Tây Thạnh. Trong một lần cùng quẫn vì không có tiền trả nợ, mẹ Nhật bảo con về quê, nghỉ học, Nhật van xin mẹ, em có thể làm bất cứ việc gì, kể cả đi xin ăn, miễn là được đến trường. Nhật bán thẻ điện thoại cho các bạn, đi phụ việc trong các trung tâm tiệc cưới và cả đi phụ hồ, bê gạch, trộn cát, xách vữa… đỡ đần cho mẹ phần nào.
Phan Đình Long Nhật kể, giai đoạn làm phụ hồ, phải làm từ sáng tinh mơ, tay phồng rộp, da mặt bỏng rát, giữa trưa chỉ được chợp mắt vài phút trên nền công trường gạch ngói vương vãi, nhưng không đáng sợ bằng những lần phải kéo gạch vữa theo dây lên các tầng cao, chỉ cần trượt chân một chút thôi, không biết tính mạng sẽ về đâu.
Biết Nhật khó khăn nhưng ham học, có chí, nhiều thầy cô ở Trường THPT Tây Thạnh đã cho em ôn thi đội tuyển và ôn thi ĐH miễn phí. Nhật học giỏi, nhất là môn toán, mới đây em giành giải 3 học sinh giỏi cấp TP môn giải toán bằng máy tính Casio.
“Em không có 500.000 đồng để mua máy tính, may sao được một người anh cho. Ngày trước, vừa lấy tiền đi xách vữa em đi mua ngay 3 cuốn sách toán, lý, hóa để ôn thi ĐH. Lật mở trang sách, ngửi mùi giấy thơm, cảm giác nước mắt chực rơi”, Nhật nhớ lại.

“Mẹ em nhường thịt cá cho con…”

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Nội dung ghi: Giúp em Phan Đình Long Nhật. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Phan Đình Long Nhật trong thời gian sớm nhất.
Phan Đình Long Nhật ở nhà được gọi thân thiết là Mắm. Nhật nhớ mãi một lần tình cờ về nhà buổi trưa, thấy mẹ và người bạn cùng đi phụ hồ xì xào nói chuyện trong nhà “thôi mình ăn rau mắm gì cũng được, để thịt cá cho thằng Mắm về ăn cơm”. Một lần khác, rõ ràng buổi sáng thấy mẹ đi chợ, tạt vào cửa hàng bán gà công nghiệp giá rẻ, mười mấy ngàn được một bịch thịt rồi về kho, thế nhưng trưa Nhật trở về nhà, thấy mẹ ăn cơm, trên mâm chỉ ít cơm nguội, rau luộc và nước mắm.
“Em đau lắm, đau vì sao mà mẹ cứ phải khổ suốt đời như thế, mà sao em chưa thể làm gì giúp mẹ nhiều hơn. Em khóc nói với mẹ, tại sao mẹ cứ phải một mình chịu khổ, con là con trai mẹ, con khỏe mạnh để đỡ đần mẹ, mẹ thương con thì ăn nhiều vào, đừng nhường con nữa”, Nhật rớm nước mắt.
Nhật kể, mẹ dù không nói những lời như mẹ yêu con, con ơi cố lên, nhưng sau những ngày đi làm phụ mẹ, Nhật càng hiểu mẹ đã thương và hy sinh cho mình bao nhiêu. “Mỗi ngày mẹ làm quần quật ngoài công trường 9 - 10 tiếng để đổi được 300.000 đồng, nắng cũng như mưa, hơn một năm mẹ làm phụ hồ sụt mất 20 kg, chỉ dám nghỉ vài ngày tết. Một lần em thấy bạn uống trà sữa thì thèm quá, mua một ly 50.000 đồng mà em ân hận mãi, một ly nước đó bằng bao nhiêu xô vữa mẹ đã xách ở ngoài trời nắng cháy”, Nhật xúc động.
Nhật đang trong những ngày ôn luyện căng thẳng nhất trước kỳ thi THPT quốc gia, em nhắm tới ngành robot và trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đây là lĩnh vực Nhật yêu thích từ nhỏ và trong suốt những năm học phổ thông, em luôn tìm hiểu sách báo để có thông tin nhiều nhất, chuẩn bị cho mình cơ hội học tập và nghề nghiệp tốt nhất. Nhật nói: “Nếu giấc mơ vào ngôi trường này thành hiện thực, em sẽ là 1 trong 20 sinh viên đầu tiên của trường được học ngành này, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và sẽ hoàn toàn miễn học phí hơn 4 năm học, như vậy đôi vai mẹ sẽ nhẹ hơn”.
Cậu học trò 18 tuổi bộc bạch: “Có một điều sợ hãi luôn thường trực trong tâm trí em, nó ở ngay cả khi em đang học bài, hay trong giấc ngủ, đó là mẹ làm phụ hồ quá nguy hiểm, liệu có một ngày nào đó mẹ đi làm và không trở về không. Điều đó càng dặn em phải học, học tốt chừng nào, có công việc tốt chừng nào thì cơ hội để mẹ không phải làm công việc hiểm nguy ấy càng đến sớm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.