Runner mất một chân
Runner (người chạy bộ) có nghị lực phi thường này là Nguyễn Thị Minh Tâm, cô giáo trẻ đang giảng dạy môn toán tại trường THPT Thiên Hộ Dương, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tâm tham gia cự ly 5km tại giải HCMC Marathon 2020 diễn ra sáng 5.1 tại TP.HCM theo lời mời của công ty đã làm chân giả cho mình.
Hình ảnh cô gái trẻ, xinh tươi với chiếc chân giả quá đùi để lộ toàn bộ ổ mỏm cụt, khớp gối, ống thép nối... bước đi tự tin đã gây nhiều cảm xúc trên đường chạy. Rất nhiều người chạy bộ khác cùng với người dân đứng ven đường đã dành tình cảm, sự ngưỡng mộ cho tinh thần, nghị lực của Tâm.
|
Ngay khi về đích, Nguyễn Thị Minh Tâm nở nụ cười mãn nguyện trong tiếng hò reo của hàng trăm cổ động viên và những runner đồng hành khác.
“Tôi đã chiến thắng bản thân mình, đã chinh phục 5km được rồi. Quá tuyệt vời”, Tâm nói như reo lên. Đi hay chạy 5km là điều không quá khó với người bình thường nhưng với Tâm, cô đã phải nỗ lực tập luyện rất nhiều. Tâm kể, mỗi ngày sau giờ dạy cô lại tranh thủ đến phòng tập gym để nâng cao sức khoẻ.
“Hồi đầu không dám lên đi trên máy chạy bộ vì sợ “rớt chân”. Sau đó thử đi thật chậm, rồi dần dần mới tăng tốc được. Suốt 3 tháng nay, gần như ngày nào cũng đi được 2 - 3km”, Tâm nói.
Cũng như bao runner khác, lần đầu tham gia một giải chạy bộ, Tâm cũng hồi hộp và trải qua những “cuộc chiến tinh thần” thật sự trên đường chạy.
“Lúc được gần 4km, thực sự là mỏi, chân đau, cảm giác hình như bị trầy bên trong mỏm đùi. Ai đó nói mệt quá thì kêu xe ôm, đừng cố quá. Lúc ấy trong đầu cũng thoáng chút ý nghĩ "hay dừng lại" nhưng rồi nghĩ tới những điều mình muốn làm, mục đích mình đến đây… lại tự khích lệ mà đi, vừa đi vừa lẩm nhẩm gắng chút nữa tới đích rồi”, cô chia sẻ.
|
Tâm bảo, cô đến với giải HCMC Marathon 2020 cũng không đơn thuần là vượt qua chính mình. Tâm tham gia đi bộ ở giải còn để tham gia chương trình chạy marathon vì người khuyết tật, qua đó góp phần vào hoạt động gây quỹ giúp cho các những người khuyết tật khó khăn, những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, nạn nhân bom mìn. Chính những điều ý nghĩa này là động lực cho Tâm.
“Tôi từng ước mơ giúp được gì cho các bạn cùng cảnh nhưng khốn khó hơn và nay có thể làm việc nhỏ này. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục cố gắng và tìm tiếp cơ hội để giúp được nhiều hơn. Tôi tin rằng người khuyết tật như mình nếu có dụng cụ hỗ trợ tốt cùng ý chí, quyết tâm, vẫn có thể trở lại với cuộc sống bình thường và đóng góp nhiều cho xã hội”, Tâm nói.
|
Nghị lực của cô giáo phải cưa chân do tai nạn
Năm 2009, tai hoạ ập xuống khi cô vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Toán, trường ĐH Đồng Tháp được một năm. Trong một lần đi vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, trên đường quay về trường, Tâm đã bị một chiếc xe tải tuột dốc cán nát chân trái. Tương lai và cuộc sống bỗng tối sầm trước mặt cô giáo trẻ 23 tuổi vừa ra trường.
Càng khó khăn hơn khi cha Tâm mất sớm từ năm cô học lớp 9, Tâm sống với mẹ. Bao hy vọng của mẹ đều dành hết vào Tâm. “Những ngày tháng đầu thực sự quá khổ, phải làm lại hết. Đã có lúc rất buồn, không chấp nhận sự thật nhưng tôi chưa bao giờ tới mức gục ngã vì nghĩ đến mẹ, nghĩ đến học trò. Chính những khốn khó mình trải qua đôi khi cũng là bài học kinh nghiệm của mình để dạy các em biết trân quý cuộc sống và học hành tốt hơn”, Tâm nhớ lại.
|
Còn một điều đặc biệt nữa là trước khi bị tai nạn, Tâm không hề thích thể thao, nhưng những ngày cực khổ làm quen với chân giả đã khiến cô thay đổi. Giờ đây, Tâm có thể đi bộ, bơi lội, lắc vòng, nhảy dây, đánh cầu lông…
Ngay trong việc tập luyện thể thao, Tâm cũng trở thành tấm gương cho chính học sinh của mình. Nhiều học trò của Tâm có ý thức rèn luyện sức khoẻ hơn khi hay bị cô Tâm nhắc: “Cô làm được chẳng lẽ em không làm được”.
|
|
Chiều 5.1, sau giải HCMC Marathon 2020, cô Tâm cầm tấm giấy chứng nhận hoàn thành cự ly 5km lên xe đò trở về Đồng Tháp, về với công việc dạy học đầy ý nghĩa của mình. Chắc chắn rằng tinh thần và nghị lực không bao giờ bỏ cuộc của Tâm sẽ còn “toả sáng” và là động lực vươn lên cho chính những học trò vùng đất Sen Hồng.
Giải HCMC Marathon 2020 lần thứ 7 diễn ra sáng 5.1, thu hút khoảng 9.000 ngàn vận động viên trong và ngoài nước tham gia; trong đó có khoảng 200 vận động viên chuyên nghiệp. Đây cũng được xem là một trong những giải marathon tiên phong phát triển phong trào chạy bộ ở Việt Nam.
|
Bình luận (0)