Nghị quyết xử lý nợ xấu có 'vô tình' giúp người sai phạm thoát trách nhiệm?

23/05/2017 15:49 GMT+7

Nghị quyết xử lý nợ xấu để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế là cần thiết. Nhưng cũng làm rõ để tránh dư luận về việc Nghị quyết này sẽ 'vô tình' giúp những người có sai phạm thoát được trách nhiệm.

Đây là ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tại phiên thảo luận tổ của các ĐBQH sáng nay, 23.5. 
Theo ĐB Nghĩa, vấn đề nợ xấu gây ra những tổn thất rất lớn cho xã hội, lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, trong đó có liên quan đến những quyết định từ các ngân hàng, cổ đông và các các cơ quan Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nghĩa cho rằng, có nhiều ý kiến tranh cãi như việc những chủ trương, biện pháp xử lý nợ xấu trước đây đã hợp lý, có cơ sở pháp lý hay chưa? “Dư luận cho rằng coi chừng Nghị quyết này sẽ giúp cho một số người thoát trách nhiệm, mặc dù đã có những sai phạm để lại hậu quả nặng nề”, ĐB Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, Nhà nước phải lãnh hàng chục nghìn tỉ đồng nợ xấu và phải chịu trách nhiệm trước dân. Cuối cùng cũng là ngân sách, tiền thuế của thuế dân phải gánh. Còn xử lý cá nhân sai phạm rất chậm chạp, thu hồi không được bao nhiêu. "Những tổn thất này cần phải được đánh giá”, ông Nghĩa đề nghị.
Nhấn mạnh Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết và sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn hiện nay, nhưng ĐB này băn khoăn về cách thức tháo gỡ. “Bằng một Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta đưa ra những quy định khác, thậm chí trái một số luật hiện hành, sẽ gây ra những thắc mắc lớn trong nhân dân, cử tri cũng như trong cán bộ, công chức”, ông Nghĩa lưu ý, và cho rằng: Với trí tuệ, trình độ của đội ngũ các chuyên gia các bộ ngành, doanh nghiệp, luật gia, luật sư hiện nay, hoàn toàn có thể đưa ra cách để tháo gỡ, góp phần xử lý nợ xấu nhanh hơn, chứ không nhất thiết giải quyết bằng một tiền lệ trái với nhiều luật hiện hành.
Phải có cơ chế xiết chặt trách nhiệm các tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu
ĐB Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết nhưng cần phải xác định phạm vi cụ thể đối với nợ xấu từ ngày 31.12.2016 trở lại. “Nếu không có phạm vi cụ thể, vô hình chung Nghị quyết này lại trở thành một hành lang pháp lý để một bộ phận các ngân hàng thiếu trách nhiệm, tiếp tục dẫn đến nợ xấu phải dựa vào văn bản này để giải quyết”, ông Đức cảnh báo.
Cùng với Nghị quyết này, ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng phải có cơ chế xiết chặt nguyên tắc, trách nhiệm các tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu. Bên cạnh đó, cần bổ sung vào Nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại nợ xấu và nguyên tắc phải xử lý trách nhiệm người để xảy ra nợ xấu, không bán lại nợ xấu cho nước ngoài dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Cho ý kiến tại thảo luận, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nợ xấu là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay vì đã phát sinh lâu, nếu không có sự đồng bộ về pháp luật sẽ khó xử lý.
Đóng góp ý kiến với tư cách ĐBQH, ông Nhân cho rằng nếu Nghị quyết được thông qua thì việc xử lý nợ xấu từ nay sẽ theo Nghị quyết. Đối với những vấn đề liên quan trước đó thì phải được xem xét bằng các quy định pháp luật đã có trước Nghị quyết, chứ không áp dụng hồi tố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.