Sáng nay 16.9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 3 về "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững" với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có hơn 200 nghị sĩ trẻ đến từ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của giới trẻ
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc; đồng thời chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển.
“Việc đảm bảo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển, thay vì tạo ra những xung đột, mâu thuẫn”, ông Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, giới trẻ là lực lượng có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy và phát huy sự đa dạng của văn hóa. Giới trẻ cũng là những người tiên phong trong việc thử nghiệm và tạo ra các loại hình hay thực hành văn hóa mới mẻ như nghệ thuật số (digital art), nghệ thuật truyền thông (media art).
Để thế mạnh của giới trẻ được phát huy tối đa, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đa dạng văn hóa, việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của giới trẻ có ý nghĩa then chốt.
“Quốc hội các nước cần phải đóng vai trò dẫn dắt, hướng tới xây dựng một mô hình quản trị mới và một khung khổ chính sách bao trùm dành cho giới trẻ. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa chính những nguyên tắc phổ quát của đa dạng văn hóa trở thành triết lý định hướng trong mối quan hệ của mình và giới trẻ”, ông Trịnh Xuân An đề xuất.
Theo ông Trịnh Xuân An, thông qua quá trình hợp tác và đối thoại cởi mở, giới trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.
Khơi dậy lòng yêu nước của thế hệ trẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận, nghị sĩ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ văn hóa của quốc gia mình. Nghị sĩ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho biết, Lào đã có những quy định pháp luật để bảo tồn, bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước (cụ thể như các ngành du lịch văn hóa, di sản văn hóa…) nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Lào và khơi dậy lòng yêu nước của thế hệ trẻ.
Nghị sĩ của Lào tin tưởng hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để các nghị sĩ trẻ toàn cầu có thể cùng trao đổi kinh nghiệm của mình trong giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giữa các nước phát triển bền vững.
Chia sẻ tại buổi thảo luận, nghị sĩ Indonesia cũng cho biết quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ.
“Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để giúp quốc gia đạt được sự phát triển”, đại biểu chia sẻ.
Theo đại biểu Indonesia, các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học.
“Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực. Indonesia có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nền văn hóa, duy trì sự tự do của người dân, đề cao những giá trị văn hóa của khu vực mình”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời, theo vị đại biểu, Indonesia cũng có những bộ luật thúc đẩy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa của các dân tộc; tiếp tục duy trì, phát triển, tăng cường hơn nữa sự đa dạng văn hóa.
Nghị sĩ đến từ Algeria cho biết họ luôn nỗ lực bảo vệ văn hóa của mình, trong đó, luôn giáo dục người trẻ biết tôn trọng gia đình và văn hóa của quốc gia.
Bình luận (0)