|
Theo ông Kiên, nếu chỉ nhìn trên con số thống kê tổng thể thì H.Từ Liêm cũng đủ tiêu chuẩn tách thành 2 quận. Tuy nhiên, khi đối chiếu phương án chia tách như trong đề án do UBND H.Từ Liêm xây dựng, được phê duyệt với các tiêu chí trong Nghị định 62/2011 của Chính phủ, Thông tư 34 Bộ Xây dựng... thì Q.Nam Từ Liêm sẽ không đạt tiêu chuẩn về mặt dân số. Còn Q.Bắc Từ Liêm sẽ không đạt tiêu chuẩn về mặt hạ tầng cơ sở. Dù vậy, những điều này đã bị “ẩn” đi bằng cách đưa ra số liệu khi xin ý kiến người dân khác với số liệu trong đề án trình HĐND phê duyệt.
|
Phân tích từ chính số liệu của đề án, ông Kiên đã tính ra mật độ dân số của Q.Bắc Từ Liêm là 7.613,74 người/km2; còn mật độ số Q.Nam Từ Liêm là 6.920,951 người/km2. “Mật độ này không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại điều 6 khoản 2 của Nghị định 62/2011 của Chính phủ”, ông Kiên khẳng định. Ông Kiên cũng chỉ ra nhiều số liệu không khớp nhau giữa các báo cáo, tờ trình. Đơn cử, xã Đại Mỗ được đề nghị lên phường, từ chỗ có 24.340 người đã tăng vọt thêm 2.401 người chỉ qua hai bản báo cáo. Theo ông Kiên, những chênh lệnh số liệu và những điểm bất hợp lý khác trong quy hoạch cho thấy công tác chuẩn bị đề án là sơ sài, thậm chí cần xem xét làm rõ dấu hiệu việc cố ý làm sai số nhằm đạt yêu cầu tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, ông Kiên cho rằng để so sánh với tiêu chuẩn đủ điều kiện thành lập quận thì phải phân tích từng đơn vị là Q.Bắc Từ Liêm và Q.Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, đề án của UBND H.Từ Liêm lại chỉ dùng số liệu chung của toàn H.Từ Liêm hiện nay đối chiếu với tiêu chuẩn đặt ra tại Thông tư 34 của Bộ Xây dựng cho kết quả đạt chuẩn. “Đơn cử, đối với chỉ tiêu đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở, đơn vị là m2/người thì mức quy định là từ 2 m2 trở lên, hiện nay H.Từ Liêm đang đạt 2 m2 nên đề án tự đánh giá là “đạt”, chứ không làm rõ là tách làm hai quận thì tỷ lệ là bao nhiêu. Tương tự, đất xây dựng công trình công cộng đô thị, tiêu chuẩn quy định là từ 5 m2, hiện trạng là 5 m2 và được đánh giá là “đạt”. Một số chỉ tiêu khác về nước sinh hoạt, rác thải, đất thể thao, dịch vụ, thương mại... hiện H.Từ Liêm đều ngang bằng với mức tối thiểu của Bộ Xây dựng quy định. Nhưng nếu chia làm hai quận thì tỷ lệ này liệu có cùng đạt? Trong đề án chỉ nêu “H.Từ Liêm đạt tiêu chuẩn thành lập quận về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị” chứ không có câu nào kết luận về việc H.Từ Liêm đủ điều kiện thành lập hai quận về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị. Đây là điểm cố ý mập mờ, cần được xem xét lại”, ông Kiên nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ban Tuyên giáo H.Từ Liêm, người cung cấp thông tin cho báo chí về đề án tách huyện này thành 2 quận vẫn khẳng định đề án này của UBND H.Từ Liêm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm và không có gì nhầm lẫn, sai phạm.
Trước đó, ngày 5.12, HĐND H.Từ Liêm đã thông qua đề án tách H.Từ Liêm thành 2 quận. Một ngày sau đó, HĐND TP.Hà Nội cũng đã thông qua đề án này.
Tăng cán bộ, tăng quỹ lương... Nêu quan điểm riêng, ông Kiên ủng hộ nâng H.Từ Liêm thành quận nhưng không đồng ý tách thành hai quận vì sẽ tăng số lượng cán bộ, tăng quỹ lương, xây trụ sở mới... gây tốn kém ngân sách. Ông Kiên cũng cho biết thêm tại phiên họp HĐND ngày 5.12, chỉ trong thời gian ngắn, các đại biểu phải xem hết tập tài liệu về đề án tách H.Từ Liêm thành hai quận dày gần 80 trang giấy và bấm nút quyết định. “Riêng tôi, sau 7 buổi tối và 2 ngày nghỉ, nghiên cứu cật lực mới thấy được nhưng sai phạm, bất cập trên”, ông Kiên nói. |
Lê Quân - Minh Hoàng
>> HĐND TP.Hà Nội nhất trí tách huyện Từ Liêm thành 2 quận
>> Người dân đồng ý tên 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm
>> Tạm dừng giao đất, cấp dự án mới tại H.Từ Liêm
>> Huyện Từ Liêm thành 2 quận: Khoảng 55.000 người phải bỏ tiền làm lại giấy tờ
>> Huyện Từ Liêm thành quận: Làm lại giấy tờ sẽ rất phức tạp
>> Sẽ chia tách huyện Từ Liêm, Hà Nội thành 2 quận
Bình luận (0)