Nghi vấn ông Thaksin lại nhúng tay vào chính trường

Minh Quang
Minh Quang
15/08/2018 06:10 GMT+7

Tranh cãi nổ ra ở Thái Lan sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị chính phủ và các đối thủ cáo buộc lại tìm cách can thiệp vào chính trường nước này.

Hồi tháng 4, cựu Thủ tướng Thái Lan lưu vong Thaksin Shinawatra gây bất ngờ khi tuyên bố “không còn dính dáng đến đảng Pheu Thai”. Cựu thủ tướng này còn nhấn mạnh dù không có ông, đảng Pheu Thai sẽ phát triển và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 2.2019.
Theo giới quan sát, đây là nước cờ của ông Thaksin nhằm “né” đạo luật của chính phủ Thái cấm cá nhân không phải là thành viên tham gia chuyện nội bộ đảng. Trả lời Thanh Niên khi đó, nhà hoạt động chính trị Sombat Boonngamanong cho rằng những diễn biến sắp tới rất khó lường.
Đến nay, nhận định này đã chứng tỏ có cơ sở khi có dấu hiệu cựu Thủ tướng không những không đoạn tuyệt với Pheu Thai mà còn bị cho là tiếp tục tìm cách tác động vào tình hình Thái Lan trước bầu cử.
Cuối tuần trước, một nguồn tin từ Pheu Thai tiết lộ ông Thaksin và em gái là cựu Thủ tướng Yingluck gặp gỡ hơn 50 cựu nghị sĩ của đảng này ở Hồng Kông. Trong đó, ông Thaksin kêu gọi các cựu nghị sĩ “kiên trì, nhẫn nại chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới” và tuyên bố: “Cuộc chiến vì nền dân chủ của Thái Lan chưa kết thúc, vẫn sẽ tiếp tục. Khi nó chưa kết thúc, tức chúng ta chưa thua cuộc”.
Phản ứng lại, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan kêu gọi ông Thaksin “thức tỉnh” và “đừng lợi dụng danh nghĩa đất nước để che giấu ý đồ”.
Chưa hết, tờ The Jakarta Post của Indonesia mới đây bất ngờ đăng bài xã luận ký tên Kornelius Purpa cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan “không xứng đáng” để đảm đương chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau “trong bối cảnh nền dân chủ đang phát triển mạnh trong khu vực”.
Chính phủ Thái Lan nhanh chóng phản ứng và bài báo cũng bị nhiều bên chỉ trích là gây mất đoàn kết trong ASEAN. “Đất nước Thái Lan dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã đóng góp nhiều cho ASEAN thông qua các dự án khu vực”, Ngoại trưởng Don Pramudwinai nhấn mạnh và nói thêm đảm nhận ghế chủ tịch luân phiên là “nhiệm vụ lẫn quyền lợi quốc gia và khu vực của Thái Lan”. Ông còn cho rằng “có âm mưu” phía sau bài xã luận của tác giả Purpa.
Sau đó, ông Juti Krairiksh, Tổng thư ký đảng Dân chủ Thái Lan, cáo buộc ông Thaksin lợi dụng truyền thông để tấn công chính quyền và đặc biệt là Thủ tướng Prayuth. “Trò cũ lại được dùng. Ông ta từng sử dụng chiêu này nhằm vào ông Abhisit Vejjajiva”, ông Juti tuyên bố với báo chí. “Có ghét ai thì cứ ghét nhưng đừng gây tổn hại danh dự quốc gia”, ông này chỉ trích tiếp. Đảng Dân chủ hiện do cựu Thủ tướng Abhisit làm chủ tịch và là đối thủ lớn của nhà Shinawatra. Đáp lại, ông Noppadon Pattama, cựu Ngoại trưởng dưới thời bà Yingluck, tuyên bố đổ lỗi cho ông Thaksin là “sự suy diễn vô căn cứ”.
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Dulyapak Preecharush của Đại học Thammasat cho biết điều khoản của ASEAN không phân biệt thể chế chính trị đối với các thành viên và không có tiêu chuẩn nào để bầu hay phủ quyết quyền chủ tịch luân phiên.
“ASEAN là một tập hợp nhiều thể chế chính trị khác nhau và việc lựa chọn chủ tịch không dựa trên thể chế mà là sự sẵn sàng của quốc gia thành viên, khả năng đóng góp của chủ tịch luân phiên trong việc giúp giảm xung đột, mâu thuẫn cũng như phát triển hiệp hội”, ông Dulyapak nói. “Tôi cho rằng không có gì lạ nếu ông Thaksin thật sự sử dụng truyền thông để thực hiện mục tiêu của mình, nhất là khi bầu cử sắp diễn ra”, chuyên gia này nhận định thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.