Kỷ lục trên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vì hằng năm vẫn có từ 5 đến 10 cá Ông lụy (chết), được ngư dân đưa vào bờ và chôn cất tại đây.
Dinh thờ cá Ông |
l.h.k |
Nghĩa địa cá Ông Phước Hải nằm ở sát con đường lộ chạy dọc theo ven biển, từ trung tâm thị trấn ra làng Phước Hải. Khác biệt với không khí nhộn nhịp của một làng chài đang vào mùa sau những ngày mưa lớn giữa tháng Mười, nghĩa địa cá Ông Phước Hải rộng đến 2000 m2 trầm lặng, bình yên dưới bóng những hàng dương rợp mát. Từ bên ngoài đi vào, sau khi bước qua cổng nghĩa địa xây dựng bằng xi măng cốt thép, trang trí khá sinh động và nghiêm trang, khách đến viếng thăm sẽ thấy một am thờ Phật bà Quan âm Nam Hải. Am thờ tuy không lớn nhưng được thiết đặt rất long trọng . Con đường chạy dọc theo trục đạo xuyên tâm (đường thần đạo) dẫn đến một ngôi đền hình lục giác thờ cá Ông. Trên bệ thờ, có hai tượng cá voi và một bộ xương cá dài 2 mét sơn bóng màu nâu sẫm. Ngoài ra, ở nội điện còn trang trí một đôi câu đối, một đôi hạc chầu, một đôi rồng cuốn, rất uy nghi. Bên hữu đường thần đạo là nghĩa địa cá ông khá rộng, chia làm 4 khu vực, một khu vực có khoảng 60 ngôi mộ chôn giữ xương cốt cá Ông lụy, có dựng bia. Mặt trước bia kẻ dòng chữ “Nam Hải chi mộ” cùng ngày, tháng, năm cá được bà con ngư dân tìm thấy trên biển. Mặt sau bia là tên con tàu đã phát hiện cá Ông, chịu trách nhiệm cùng bà con chôn cất và thờ cúng quanh năm. Riêng ngôi mộ chôn cất bộ xương cá Ông dài đến gần 20 mét, phát hiện ngày 28.12.2017 do Ban quản lý Nghĩa địa trông coi. Ông Trịnh Thế Ngọc (83 tuổi) kể rằng, năm đó suốt 3 ngày liền, cá Ông này dạt vào bờ, ngư dân vạn Phước Hải tìm cách đưa cá ra vùng biển nước sâu để thoát thân, nhưng cá vẫn quay trở lại nên đành đưa vào bờ, sau đó an táng vào nghĩa địa.
Khu mộ cá Ông |
l.h.k |
Ông Danh Hường, người tự nguyện chăm sóc lăng, năm nay 72 tuổi (2022), cho biết: mỗi năm có hàng chục cá Ông bị lụy, được ngư dân phát hiện và đưa về đây làm thủ tục chôn cất, nhiều nhất là các tháng đầu năm. Khi phát hiện xác cá ông, chủ ghe nhanh chóng đưa vào bờ, làm các thủ tục an táng như với con người, theo “Thọ Mai gia lễ”.
Theo tục lệ của ngư dân, người phát hiện xác cá Ông sẽ là người con trưởng nam, để khăn và thờ phụng như với cha mẹ mình. Trình tự lễ thức có tuần 49 ngày, tuần 100 ngày, tuần giáp năm, sau đó là mãn tang và giỗ chung vào dịp 16.2 âm lịch.
Cá Ông dài 16 mét, nặng 6 tấn lụy ở vùng biển Phan Thiết tháng 4.2021 |
Dinh thờ cá Ông xây cất lần đầu ở Phước Hải từ rất lâu. Có người nói từ thời Gia Long và ở một địa điểm khác. Tuy nhiên, do điều kiện dân số ngày càng đông và vị trí nghĩa địa đi cùng có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, nên bà con xin phép chính quyền cho dời lăng và nghĩa địa về nơi này, sau đó đóng góp tài lực xây dựng để có quy mô kiến trúc như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thế, (Vạn trưởng, nay đã trên 80 tuổi), bà con ngư dân ở đây có tục thờ cúng cá Ông, tin rằng cá Ông là người bảo trợ an nguy cho họ khi hành nghề trên biển cũng như ban phát cho họ sự may mắn, cũng như no đủ sung túc trong đời sống. Khi phát hiện cá Ông bị lụy, người đầu tiên nhìn thấy được xem là trưởng nam của Ông và đứng ra làm chủ lễ trong trong nghi thức an táng như đã nói trên.
Chế biến hải sản ở làng Phước Hải |
l.h.k |
Ông Danh Hường kể, ông đã có hơn 40 năm đi nghề, có một lần gặp bất trắc, có thể để lại mạng mình trên biển. Trong lúc thấy tính mạng nghìn cân treo sợi tóc, khi tàu bị bão nhấn chìm trong sóng nước, ông nhắm mắt lại, cầu xin Ông cứu độ. Nghe một tiếng hích nhẹ ở mui thuyền, ông mở mắt ra, thấy tàu mình được nhấc lên cao khỏi mặt nước, sau đó được tàu khác nhìn thấy và cứu giúp, trở về bình yên. Mấy năm nay, ông không còn đi biển và giao tàu, giao nghề lại cho con trai. Hằng ngày ông đến đây quét dọn, nhang đèn cầu xin Ông phù hộ cho con mình cũng như bà con đi biển được an toàn.
Những câu chuyện tương tự như lời kể của ngư ông Danh Hường có thể bắt gặp nhiều nơi, nhiều người khi hành nghề trên biển bị gặp nạn. Các nhà khoa học cũng đã có cách giải thích về hiện tượng này. Song hầu hết ngư dân, nhất là ngư dân từ vùng biển Nam Trung bộ, trở vào Nam bộ luôn tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn trên khi hành nghề trên biển gặp gian nguy. Vì vậy, tục thờ cúng cá Ông (lập dinh thờ, lập lăng, tổ chức tế lễ định kỳ hằng năm) đã trở nên một nét văn hóa riêng của người vùng biển.
Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ cá Ông chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Chăm, nay đã hòa nhập vào cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam và trở thành một nét văn hóa đặc thù của cư dân ven biển Việt Nam.
Bình luận (0)