Nghĩa tình nơi cách ly: F0 đón sinh nhật tuổi 23 ở bệnh viện dã chiến

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/07/2021 07:06 GMT+7

Tiệc sinh nhật tuổi 23 của cô gái không có bánh kem, nến, hoa tươi. Mẹ con cô có 3 hộp cơm của bệnh viện dã chiến , 3 trái chuối và món đặc biệt là trứng gà luộc dầm nước tương.

P.N.Q.C, sinh viên một trường cao đẳng tại TP.HCM, cùng với mẹ và chị gái được đưa vào Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) tối 9.7 sau khi có kết quả dương tính với Covid-19.
Cô kể với PV Báo Thanh Niên những ngày cách ly tập trung không thể nào quên trong đời của 3 mẹ con.

Từ những giọt nước mắt...

Bà ngoại của tôi hơn 70 tuổi, thời gian bà nằm ở BV Nguyễn Trãi đã dương tính với Covid-19. Ngày 7.7, mẹ tôi cũng nhận kết quả dương tính. Chị em tôi khá bình tĩnh và xác định mình cũng có thể đã nhiễm. Do đó, khi nhận kết quả cả hai dương tính với Covid-19, chúng tôi không hoảng loạn. Thu xếp một ít hành lý gồm vài bộ quần áo mang theo, chúng tôi có 2 ngày được cách ly ngay tại BV Nguyễn Trãi. Sau đó, tối 9.7, 3 mẹ con được xe đưa tới BV dã chiến.
Mẹ tôi bình thường bán cá tại một chợ ở Q.4, TP.HCM, mẹ lúc nào cũng làm việc luôn tay, bởi thế nên mẹ thường nói vui để động viên chúng tôi: “Vào đây như mẹ con mình đi nghỉ ngơi”. Người buồn nhất là chị gái tôi. Chồng và con gái chị mới 2 tuổi là F1 đang phải cách ly tập trung ở một nơi khác. Cháu vẫn đang bú mẹ nên những ngày đầu mới vào đây, tối nào chị cũng khóc vì nhớ con. Chúng tôi động viên chị không được yếu đuối lúc này, phải ráng ăn uống, nghỉ ngơi, sẽ sớm khỏi bệnh và được về với chồng con. Mấy hôm nay chị đã vui vẻ lên nhiều.
Nghĩa tình nơi cách ly: F0 đón sinh nhật tuổi 23 ở bệnh viện dã chiến1

P.N.Q.C khi mới có kết quả dương tính và trong phòng ở bệnh viện dã chiến

Ở đây luôn có các anh chị điều dưỡng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi, nếu ai sốt sẽ có người mang thuốc tới. Nhưng từ ngày vào đây, 3 mẹ con tôi đều rất khỏe mạnh, tôi chỉ bị sốt một hôm đầu, còn lại không ai có triệu chứng gì đặc biệt.
Chúng tôi được chuẩn bị mỗi ngày 3 bữa ăn, thường xuyên được cho thêm bánh, sữa hay chuối. Ngoài ra, chúng tôi được phát báo để đọc mỗi ngày, vừa được nắm bắt các tin tức, vừa giải trí tinh thần, thêm lạc quan để mau bình phục. Chúng tôi biết BV dã chiến này đang có rất đông bệnh nhân phải cách ly, điều trị nhưng các anh chị nhân viên y tế, tình nguyện viên lúc nào cũng nhiệt tình cung cấp đầy đủ cho mọi người đồ dùng cần thiết. Các anh chị còn nhắc chúng tôi, ai thiếu thốn gì cứ nói, mọi người sẽ giúp đỡ hết khả năng của mình.
Phòng chúng tôi khá rộng, thoáng mát, ngoài 3 mẹ con tôi còn một chị nữa. Không chỉ 4 chúng tôi mà những người ở gần phòng tôi ở cũng yêu thương, động viên nhau. Ai có đồ ăn gì người nhà gửi lên cũng san sẻ cho người khác. Câu nói chúng tôi thường được nghe nhất là cố gắng cùng nhau hết bệnh, để cùng âm tính, sớm về với gia đình đang trông mong… Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tới nhận phòng, cái khóa nước bị hư làm nước tràn đầy nhà mà phòng thì toàn nữ, rất may có anh kế bên qua sửa giúp, không thì không biết tối hôm đó sẽ ra sao.
Nghĩa tình nơi cách ly: F0 đón sinh nhật tuổi 23 ở bệnh viện dã chiến2

Những phần cơm hằng ngày của 3 mẹ con

ẢNH: NVCC

“Chúng tôi sẽ về sum họp bữa cơm gia đình”

Gia đình tôi bây giờ mỗi người một nơi cách ly. Bà tôi đang điều trị Covid-19 tại một BV dã chiến, em trai út được phát hiện ra cũng là F0 sau đó, đang ở một BV khác. Anh rể và cháu gái là F1, đang đi cách ly. Tối nào cũng thế, chúng tôi nói chuyện nhóm với nhau qua Zalo, Facebook, hỏi thăm tình hình sức khỏe, các bữa ăn nơi cách ly, tập thể dục ra sao, ngủ nghỉ thế nào. Nhìn thấy mọi người khỏe mạnh, vui vẻ, chúng tôi thêm lạc quan. Ai cũng động viên ngược lại nhau, phải ráng lên, để mau hết bệnh, trở về sum họp bên mâm cơm gia đình.
Hôm 17.7, ngày thứ 9 tôi ở BV dã chiến cũng là ngày tôi tròn 23 tuổi. “Tiệc” sinh nhật năm nay có lẽ đáng nhớ nhất cuộc đời. Không có bánh kem, hoa, nến, chúng tôi có 3 hộp cơm, 3 trái chuối, 1 tô mì gói và món đặc biệt là trứng gà luộc dầm nước tương. Trứng gà được bà con người thân gửi vào tiếp sức cho mấy mẹ con, ngày nào chúng tôi cũng có trứng luộc, trứng dầm tương, trứng nấu mì... Không phải là những điều ước xa xôi, trong ngày đáng nhớ tuổi 23 này, tôi chỉ nguyện cầu dịch bệnh ở VN sớm kết thúc, mọi thành viên trong gia đình mình khỏe mạnh, để trở về cuộc sống đời thường với những niềm vui bình dị, như mẹ tôi được ra chợ bán hàng, tôi được đến trường, chị gái tôi được ôm con trong lòng và cho con bú...
Mỗi ngày 3 mẹ con tôi đều thức dậy sớm tập thể dục, nhắc nhau uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, uống thêm các vitamin, thuốc bổ. Để thời gian trôi qua ý nghĩa, tôi đọc sách, báo, xem tin tức, xem phim, nói chuyện với mẹ và chị… Bà con, bạn bè thương chúng tôi lắm, ai cũng hỏi thăm rồi gửi vào đây những đồ dùng cần thiết, đồ ăn thêm. Chúng tôi không cho phép mình yếu đuối, lo sợ những lúc này. Bình tĩnh, lạc quan nhưng không chủ quan là việc ai cũng có thể làm, góp phần chiến thắng dịch bệnh...

Sáng 21.7: Cả nước 2.787 ca mắc Covid-19, TP.HCM có 1.739 ca

Cô gái kết nối những người đã từng đi cách ly
Đó là Trần Thị Mai Trâm, 21 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Có người thân ở Bà Rịa-Vũng Tàu vừa trở về gia đình sau thời gian cách ly tập trung để phòng chống Covid-19, Mai Trâm nhận thấy nhiều người rất bỡ ngỡ, hoang mang khi phải đi cách ly, không biết chuẩn bị những gì… Có người vào khu cách ly căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Do đó, cô lập nhóm trên mạng xã hội Facebook “Hội những người đã từng đi cách ly”, để mọi người có thể trao đổi với nhau dễ dàng hơn.
“Tôi mong muốn kết nối những người đã từng đi cách ly để mọi người có thể động viên, chia sẻ cho nhau những lời khuyên hữu ích. Bạn nào sắp lên đường đi cách ly tập trung cũng có thể vào đó đặt các câu hỏi để biết nên chuẩn bị hành lý gì, nên làm những gì để khích lệ tinh thần, suy nghĩ lạc quan, từ đó tăng thêm sức đề kháng chống lại dịch bệnh”, Trâm cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.