|
Câu chuyện bắt đầu tại Nghĩa trang Thai Nhi do cha Quế đặt tên và xây dựng cách đây khoảng 5 năm trên diện tích rộng khoảng 12.000m2.
Ám ảnh thai nhi
“Có hai lý do mà tôi xây dựng nghĩa trang này. Đó là vào khoảng 17 giờ ngày 2.11.2008 khi đang dâng lễ trên chính mảnh đất này (thời điểm này cũng có vài ngôi mộ được chôn ở đây-PV) thì bên tai tôi văng vẳng tiếng vọng của trẻ con: xin cha thương chúng con. Tôi đem câu chuyện này nói với một số giáo dân thì họ khuyên cha làm nghĩa trang đi. Hơn nữa vào thời điểm này, báo chí đưa tin một nước trên thế giới ăn cả thai nhi và ngâm rượu để uống. Xem xong tôi thấy hết sức phẫn nộ và tự hỏi vì sao con người lại ăn thịt nhau. Từ đó, làm tôi suy nghĩ phải xây dựng một nghĩa trang để đưa những thai nhi vô tội về đây chôn cất”, cha Quế nhớ lại.
Ông Bùi Ngọc Công (ngụ xã Hòa Hội, H. Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) là người sát cánh cùng cha Quế xây dựng nghĩa trang nói thêm: “Thời gian đầu khó khăn lắm vì nguyên một khu đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng, rồi đến chuyện san lấp, thi công… Đến năm 2010 khu nghĩa trang đã hình thành. Ban đầu, có khoảng 6-7 giáo dân tham gia làm tình nguyên viên (TNV). Hàng ngày họ đến bệnh viện, phòng khám trên địa bàn huyện Xuyên Mộc xin những thai nhi bị phá bỏ đưa về chôn cất. Do thiếu kim nghiệm nên đôi khi có 2-3 thai nhi cũng bỏ vào tiểu sành đem mai táng, vừa tốn diện tích vừa mất thời gian. Sau đó, việc thu gom được mở rộng ra nhiều địa phương khác và cứ dồn lại một tuần đưa về nghĩa trang chôn cất”.
Theo Chánh xứ Vũ Xuân Quế việc làm bác ái được nhân rộng. Hiện nay có khoảng 50 người ở nhiều nơi tham gia làm TNV cho Giáo xứ Hòa Hội gồm nông dân, bác sĩ, tu sĩ… Hàng ngày họ tìm đến 7 điểm (bệnh viện, phòng khám…) ở Bà Rịa-Vũng Tàu và 6 điểm ở TP.HCM để thu gom thai nhi bị phá đưa về bỏ ngăn lạnh. Đến cuối tuần có 2 người đi thu gom (được cha trả công 4-5 triệu đồng/người/tháng) đưa về nghĩa trang chôn cất. “Cách này làm này tiết kiệm được rất nhiều diện tích cho nghĩa trang và thời gian đi lại của TNV”., cha Quế cho biết.
Tại nghĩa trang, cha Quế dẫn chúng tôi đi dọc theo những hàng mộ và nhớ gần như in từng ngôi mộ được chôn cất thời điểm nào, bên trong có bao nhiêu thai nhi. “Trung bình hàng tuần, chúng tôi thu gom khoảng 100 thai nhi đưa về chôn chung một ngôi mộ. Đặc biệt sau dịp lễ, tết khoảng 1 tháng là tình trạng phá thai tăng lên rất nhiều. Chẳng hạn, như ngôi mộ này, được chôn cất vào đầu tháng 6.2012 (dịp lễ 30.4 và 1.5.2012) có đến 383 em. Các em đâu có tội tình gì mà bị con người phải vứt bỏ. Thật hết sức tội nghiệp”, cha Quế chỉ vào ngôi mộ nghẹn ngào nói.
“Thấy các em bị vứt bỏ rất tội nghiệp…”
Một TNV (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu, tu sĩ) cho biết: “Vào năm 2008, tôi tham gia với một nhóm bạn ở TP.HCM, đi đến các bệnh viện tiếp cận các bác sĩ phụ sản để xin những thai nhi bị phá bỏ, thu gom đưa về chôn cất lén trong khuôn viên tại một nhà thờ ở Q.9 (TP.HCM). Sau này, nhà thờ không cho nên tôi tham gia cộng tác, đưa thai nhi về nghĩa trang của cha Quế chôn cất. Thời gian đầu làm công việc này, tôi thường xuyên bị ám ảnh, nhất là trong giấc ngủ (do phải lấy thai nhi ra để tẩm liệm). Làm riết rồi cũng quen. Vì mình không làm, thì thấy các em bị vứt bỏ rất tội nghiệp”.
Trong khi đó, một TNV khác (ngụ TP.HCM) nói: “Tôi biết và tham gia công việc này thông qua một người quen làm tu sĩ trong nhà thờ. Hàng tuần tôi được giao nhiệm vụ đi thu gom thai nhi để đưa về nghĩa trang của cha Quế chôn cất. Làm công việc này, tôi chỉ có suy nghĩ rất đơn giản, khi người ta chết thì được gia đình tổ chức ma chay rất đình đám. Còn các em khi mất đi, lại bị con người vứt bỏ hết sức tội nghiệp”. (còn tiếp)
Hoàng Tuấn - Nguyễn Long
>> Khoảng lặng nơi Nghĩa trang Nhân dân Bình An
>> Người phụ nữ 10 năm gắn bó với nghĩa trang thai nhi
>> Tôn tạo nghĩa trang
>> Có một nghĩa trang lạ ở Hưng Yên
Bình luận (0)