Những khu tái định cư này dành cho người dân sống trong vùng thiên tai bị sạt lở đất, ngập lụt và những người vạn chài sống lênh đênh trên sông nước. Nhà nước đầu tư hạ tầng khu TĐC, người dân được chia đất để làm nhà, sinh sống. Chi phí đầu tư để xây dựng khu TĐC khá cao, mỗi suất đầu tư cho 1 hộ gia đình TĐC từ 300 - 600 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi được đầu tư hạ tầng, nhiều khu TĐC người dân không đến ở do không phù hợp vì diện tích đất ở, đất sản xuất nhỏ hẹp, dẫn đến lãng phí lớn.
Dẫn chứng điển hình, năm 2009 tỉnh Nghệ An quyết định xây dựng khu TĐC ở xã Thanh Thủy (H.Thanh Chương) với kinh phí hơn 80 tỉ đồng để đưa hơn 100 hộ dân vạn chài trên sông Lam lên bờ sinh sống. Đó là một chủ trương đúng, một sự hỗ trợ cần thiết để người dân nghèo có mảnh đất cắm dùi. Sau 13 năm vừa xây vừa chờ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ, khu TĐC này đã hoàn thành hạ tầng vào đầu năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa có người dân nào đến ở. Nguyên nhân là đất sản xuất chưa có, người dân không có sinh kế để sinh sống lâu dài.
Khi trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo H.Tương Dương (Nghệ An), địa phương có nhiều khu TĐC dành cho người dân bị sạt lở đất, thừa nhận xây dựng khu TĐC ở miền núi chi phí rất cao, nhưng hiệu quả không phải đều đạt như ý muốn. Trong khi đó, nhiều người cho rằng nếu hỗ trợ tiền trực tiếp thay vì xây khu TĐC, người dân đã có thể tự mua đất, dựng nhà an cư.
Từ thực tế, cần linh hoạt chính sách, thay vì đầu tư xây khu TĐC, ở những nơi đặc thù nên hỗ trợ trực tiếp tương ứng với số tiền xây khu TĐC để người dân tự tìm chỗ ở với sự giám sát của chính quyền. Cách hỗ trợ này vừa giảm bớt được chi phí quản lý dự án, vừa thuận lợi cho người dân khi địa điểm sinh sống phù hợp với khả năng và nguyện vọng của họ.
Bình luận (0)