Đây là điều người dân TT.Quỳ Hợp và các xã lân cận chờ đợi từ nhiều năm qua khi bãi rác cũ nằm quá gần khu dân cư đã quá tải, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Thế nhưng, sau 2 năm hoàn thành, khu xử lý rác 48 tỉ đồng này vẫn "đắp chiếu" vì huyện đang loay hoay tìm phương án vận hành.
Một lãnh đạo UBND H.Quỳ Hợp chia sẻ với PV rằng UBND huyện không thể bố trí cán bộ vận hành khu xử lý rác này vì không đủ nhân lực, nhưng nếu bàn giao cho doanh nghiệp thì trái quy định, vì đây là công trình do vốn nhà nước đầu tư. Dù huyện đã họp rất nhiều cuộc, có nhiều văn bản tham vấn các sở, ngành của tỉnh nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên chưa biết vận hành như thế nào cho đúng.
Tương tự, hai nhà máy nước sinh hoạt ở H.Quế Phong và ở xã Hưng Thông (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhà máy nước Hưng Thông có vốn đầu tư 25,8 tỉ đồng, hoàn thành từ năm 2018 từ nguồn vốn nhà nước nhưng đến nay vẫn phải bỏ hoang. Ngoài lý do thiếu nguồn nước thô để cung cấp cho nhà máy do nguồn nước bị thay đổi, việc vận hành cũng rất khó khăn vì không thể bàn giao tài sản này cho doanh nghiệp. Trong khi đó, xã, huyện không thể bố trí nhân sự để quản lý, vận hành nhà máy.
Nhà máy nước Quế Phong được đầu tư hơn 41 tỉ đồng, hoàn thành năm 2017. Sau khi hoàn thành, huyện không thể lập ban quản lý để vận hành nhà máy, cũng không bàn giao được cho doanh nghiệp nên đến năm 2020, UBND huyện này phải giao việc quản lý, vận hành cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của huyện. Ban này ít người, nhiều việc nên việc kiêm nhiệm thêm nhà máy nước (vận hành, thu tiền nước) khiến công việc quá tải, đến nay nhà máy vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu.
Khi doanh nghiệp chưa vào cuộc đầu tư, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác, nhà máy nước sạch bằng nguồn vốn ngân sách là đúng vì đó nhu cầu bức thiết của người dân. Thế nhưng trước khi quyết định đầu tư, cơ quan ban hành quyết định phải xác định được tương lai cho công trình, chứ không phải chờ đến lúc hoàn thành mới loay hoay tìm phương án vận hành.
Bình luận (0)