Nghịch lý đất công bỏ trống

21/03/2022 04:21 GMT+7

Câu chuyện nhiều quận, huyện tại TP.HCM như Q.Gò Vấp, Q.12... thiếu trường lớp , học sinh phải chen chúc trong những lớp sĩ số gần 50 em, trong khi đất công giao cho doanh nghiệp (DN) thì bỏ trống khiến dư luận bức xúc về sự lãng phí.

Càng bức xúc hơn khi các cơ quan rề rà trong việc xử lý thu hồi để xây trường học vốn là một nhu cầu thực tế cấp thiết.

Có vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ví von về thực trạng tréo ngoe ấy rằng, đi dọc đường thấy khu đất nào rộng mà bỏ trống thì ắt đó là đất công, bởi lẽ DN tư nhân sẽ luôn tìm cách khai thác, sản xuất, kinh doanh để mang lại lợi nhuận cao nhất.

Trong đợt giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đoàn ĐBQH TP.HCM mới đây, báo cáo của các đơn vị cho thấy tình trạng lãng phí đất công xảy ra trên diện rộng, chủ yếu là ở DN nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, và cả nhiều cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn. Đáng nói là chưa có dấu hiệu chấm dứt triệt để sự lãng phí về nguồn lực đất đai này.

Tréo ngoe hơn có lẽ là đất công đem cho thuê nhưng khi hết hạn cho thuê, nhà nước lấy lại để xây trường học thì rất trần ai, thậm chí còn bị kiện ngược, như việc cho thuê và thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong (Q.10) mà báo chí tốn rất nhiều giấy mực phản ánh. Rõ ràng pháp lý để thu hồi đối với những trường hợp này là không thiếu, mấu chốt vấn đề là các cơ quan chức năng có quyết liệt xử lý hay không.

Điều 54 Hiến pháp năm 2013 xác định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Có 2 khía cạnh của “quản lý theo pháp luật”, đó là các quy định đã đủ chặt chẽ để ngăn chặn trục lợi hay chưa, và những người thực thi chính sách có biết quý trọng và phát huy nguồn lực đặc biệt này hay không? Rất nhiều vụ án xà xẻo, lũng đoạn, trục lợi đất công thời gian qua khiến hàng loạt cán bộ dính vào vòng lao lý, cho thấy những lỗ hổng lớn đến từ cả chính sách và người thực thi chính sách, mà nếu không sớm giải quyết triệt để thì tài sản nhà nước tiếp tục bị thất thoát, lãng phí.

Tại TP.HCM, có thể kể một điển hình của sự lãng phí đó là Nghị quyết 54/2017 của QH về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép địa phương này hưởng 50% tiền bán đấu giá các khu đất của cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn sau khi trừ chi phí di dời, nhưng hơn 4 năm qua chưa thực hiện được mặt bằng nào. Nguyên nhân xuất phát từ việc các cơ quan không hợp tác. Điều đó cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn giữ tư duy “quyền anh, quyền tôi” chiếm dụng nhà đất, thà bỏ trống chứ không chịu bàn giao về cho địa phương.

Một nghịch lý khác, là chuyện lấy đất công để trống bán cho DN; sau đó lại thu hồi, đền bù đất của người dân (theo quy hoạch) để làm trường học mà việc thu hồi này rất tốn kém và chẳng dễ dàng gì. Không phải chức năng khu đất công nào cũng phù hợp ngay để làm công trình phúc lợi, bởi còn liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch… Nhưng nếu ưu tiên lấy đất công để trống làm công trình phúc lợi, trong đó có trường học, thì hẳn sẽ có cách tiếp cận hợp lòng dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.