Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), có tình trạng một số xã được công nhận nông thôn mới chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí nhưng "nặng thành tích để bằng chị, bằng em". Điều này dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa. Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn, vì người dân cho rằng việc nâng cấp, tu sửa là của nhà nước. Ông đề xuất cần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Khuyến khích ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Bởi vốn mà không được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với người dân.
Đáng chú ý, theo ĐB Hòa, các xã khu vực 2, 3 khi đạt chuẩn nông thôn mới thì không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước nên chần chừ, không muốn phấn đấu đạt chuẩn. Điểm đáng quan tâm theo ông, là nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được xây dựng, hỗ trợ xây dựng nhà, khi nhà xuống cấp cần sửa chữa lại không có tiền, phải trông chờ nhà nước hoặc các nguồn tài trợ tiếp. Có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn hưởng chính sách của nhà nước về vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng nhà, sửa chữa nhà, cho con em học hành…
Cùng góc nhìn này, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng "người dân chưa yên tâm để thoát nghèo, vì hết chương trình, hết dự án, nghèo lại hoàn nghèo. Do đó, cần quan tâm đến cách làm, chất lượng các chương trình đảm bảo mang tính bền vững cao. Khi đó, người dân mới không muốn quay lại nghèo".
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn ví dụ về xã Huy Giáp (H.Bảo Lạc, Cao Bằng) sau khi hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, tất cả nguồn lực hỗ trợ không còn, kể cả với trường học, cô giáo, học sinh. Theo ông, điều này cho thấy cấu trúc 3 chương trình lỏng lẻo, bên này buông, bên kia chưa nhận. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm vì thiết kế chính sách còn vấn đề.
Giải trình cuối phiên giám sát, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận vấn đề không muốn đạt chuẩn, khi đạt chuẩn nông thôn mới mất nguồn lực hay tương tự là thoát nghèo rồi mất chính sách "trong thực tế là có". "Chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi có chương trình thì mọi người có nguồn lực. Tuy nhiên, cũng mong chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội được thụ hưởng chương trình này có tâm thế mới hơn, tích cực hơn, vượt qua sự ỷ lại mới có kết quả tốt đẹp", ông Quang nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng cho rằng tại phiên giám sát lần này, các ĐB nói nhiều tới chuyện giải ngân, song điều quan trọng là chất lượng đầu tư, chất lượng sự hỗ trợ. Ông cho biết Chính phủ sẽ cùng với địa phương điều chỉnh chính sách cho hợp lý, cộng với giám sát, tuyên truyền để có chất lượng tốt hơn, đúng với kỳ vọng các chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra.
Bình luận (0)