Nghiêm trị hành vi pha chế, kinh doanh xăng giả

09/07/2022 05:05 GMT+7

Nhiều ý kiến lên án hành vi pha chế, tiêu thụ xăng giả và đề nghị pháp luật phải mạnh tay để răn đe.

Như Thanh Niên thông tin, liên quan đến đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã ra cáo trạng truy tố 74 bị can. Cụ thể, 3 bị can cầm đầu gồm Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM), Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh; Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, cùng 70 bị can khác bị truy tố về tội buôn lậu. Riêng bị can Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, từ năm 2019, Hữu cùng với Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỉ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia. Do xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng, để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1 kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100 m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phía nam.

Đêm 6.2.2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này. Từ tháng 3.2020 - 2.2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỉ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng.

Lực lượng công an đột kích, bắt giữ các tàu chở xăng dầu của Phan Thanh Hữu

Công an Đồng Nai cung cấp

Hành vi phá hoại

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên lên án hành vi sản xuất chế biến, vận chuyển trái phép và buôn lậu xăng giả, đề nghị pháp luật phải có chế tài nghiêm khắc. “Làm và kinh doanh xăng giả là một tội ác cần phải trừng trị thật nghiêm. Bên cạnh đó cũng phải tịch thu toàn bộ tài sản có được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi pháp này. Có như vậy thì mới răn đe những đối tượng khác”, BĐ Tùng Vũ đề nghị.

Tương tự, BĐ Đoàn Quang cho rằng: “Theo tôi đây là hành vi phá hoại với quy mô rất lớn. Ngoài những thiệt hại cho nền kinh tế thì người tiêu dùng sẽ là đối tượng chính lãnh đủ nếu chẳng may sử dụng thứ xăng dỏm này. Chính những hành vi làm ăn thất đức này gây ra nhiều hậu quả như xe cộ cháy nổ, hư hỏng..., thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Pháp luật cần nghiêm khắc với hành vi pha chế, tiêu thụ xăng giả”.

BĐ The Hung ý kiến: “Mong cơ quan chức năng điều tra truy đến tận cùng những ngóc ngách của các đường dây xăng giả. Những hậu quả thiệt hại về kinh tế từ các hoạt động bất chính này là vô cùng lớn không thể thống kê hết”.

“Hành vi của những đối tượng này gây thiệt hại cho xã hội không thể nào đong đếm được. Rất mong pháp luật dành những bản án thật nghiêm cho các đối tượng làm ăn phi pháp hại dân hại nước này”, BĐ Ngoc Han thẳng thắn.

Chế tài thật nghiêm

Với những hậu quả gây ra cho xã hội, BĐ đề nghị pháp luật mạnh tay với hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Vì làm nghiêm mới răn đe người khác không dám vi phạm, người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính mới sống được.

“Thiệt hại trước mắt của người tiêu dùng khi mua phải xăng giả là rủi ro cháy xe, hỏng hóc trong quá trình vận hành. Về lâu dài thì xe mau xuống cấp và rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường, lòng tin của người tiêu dùng... Cần xử lý nghiêm những đối tượng sản xuất, kinh doanh xăng giả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng này”, BĐ Quốc Cường ý kiến.

“Ai cũng biết tác hại khôn lường của xăng giả, kém chất lượng. Cơ quan chức năng thì đã biết từ đâu mà có xăng dầu giả, chỉ còn lại là tìm ra kế sách quản lý có hiệu quả và chế tài thế nào để cho những kẻ đã và đang có ý đồ làm giả xăng dầu không dám và không thể làm được. Ngoài ra cần quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý hóa chất; quản lý xuất, nhập và tiêu thụ xăng dầu một cách cụ thể, cố gắng tránh chồng chéo (cha chung không ai có trách nhiệm). Và vẫn rất cần thiết từ sự ủng hộ của người dân trong phòng chống tội phạm này (bảo vệ, khen thưởng thỏa đáng...)”, BĐ Manh Ha góp ý.

“Làm ăn bất chính trước sau cũng bị pháp luật sờ gáy. Cần phải nghiêm trị bằng những bản án tù thật nghiêm khắc, tịch thu toàn bộ tài sản sung công. Đây là tội rất lớn, phá hoại tài sản của người dân, xã hội...”, BĐ H.V.S đề nghị.

Buôn lậu xăng giả mức lời quá lớn. Cần bản án nghiêm khắc cho những đối tượng này.

Thai

Pháp luật cần mạnh tay trừng trị những đối tượng pha chế, tiêu thụ xăng giả. Hiểm họa khôn lường!

Tran

Khiếp thật! “Hại đời” không biết là bao nhiêu xe của người dùng phải xăng giả. Cho ở luôn hết đời trong tù cũng chưa hết tội.

N.Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.