Nghiêm và mạnh

14/09/2012 03:30 GMT+7

Cà phê đểu, giá ủ bằng hóa chất, thịt thối làm đặc sản, trái cây bảo quản bằng thuốc gây ung thư... sức khỏe, cuộc sống hay nói chính xác là sinh mệnh của người dân đang bị bao vây bởi thực phẩm bẩn. Điều đáng buồn là sau mỗi vụ việc được phanh phui, giải pháp được sử dụng chủ yếu vẫn là người dân phải tự bảo vệ mình nếu không thể tẩy chay sản phẩm đó.

Nửa năm sau vụ Kinh hoàng heo siêu nạc mà Báo Thanh Niên phanh phui, các bà nội trợ vẫn đang căng mắt lật tới lật lui miếng thịt heo để đối chiếu da, mỡ, màu sắc... với "bí kíp" được tư vấn để tránh mua phải heo siêu nạc. Những tín đồ của cà phê đã có thêm "câu cửa miệng" hỏi về nguồn gốc của thức uống này dù chỉ để tự trấn an chứ không thực sự tin tưởng vào câu trả lời. Rồi người ta đi săn lùng giá gầy, nhiều rễ thay vì chọn những cây giá mập, trắng, hình thức đẹp khi công nghệ trồng giá ăn bằng hóa chất được công khai... Đây là một bức tranh đáng buồn và vô lý bởi lẽ ra sau khi phát hiện, người dân phải được sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không "khui ra" phải để "biết đường" cảnh giác như vậy.

Tại sao họ vẫn phải cảnh giác? Bởi thực phẩm bẩn vẫn có mặt ở khắp nơi. Tại sao thực phẩm bẩn vẫn có đất sống? Tại chế tài xử lý quá nhẹ. Nếu vậy để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng, cứ chế tài thật nặng những người vi phạm. Thay vì phạt hành chính bằng tiền, hãy đóng cửa những cơ sở vi phạm. Thay vì tịch thu và tiêu hủy tang vật, hãy xử lý hình sự những vụ nghiêm trọng, được thực hiện bài bản, lâu dài, gây tác hại đến xã hội. Thay vì xử phạt vài chục triệu, hãy bắt họ đền bù cả những tổn hại về sức khỏe mà họ gây ra cho cộng đồng. Nếu chúng ta thực sự mạnh tay, chắc chắn tình trạng vi phạm đã được hạn chế.

Song song đó, phải siết chặt lại công tác quản lý, giám sát ở các cấp, ngành, các địa phương hiện nay. Không thể có chuyện, một cơ sở sản xuất hàng tấn cà phê bẩn hoạt động hằng ngày mà chính quyền địa phương không biết. Càng không thể có chuyện, xe chở hàng tấn thịt thối dễ dàng qua mặt cả chục trạm kiểm dịch... Buông lỏng hay bắt tay, trách nhiệm của những cơ quan này như thế nào khi để xảy ra những vụ việc trên, cần được làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Chỉ có như vậy, mới ngăn ngừa được những hành vi kinh doanh thiếu đạo đức như nói trên.

Mỗi lần bao biện cho tình trạng thực phẩm bẩn càng chống càng tràn lan, hoành hành khắp nơi, chúng ta lại đổ lỗi cho việc "thiếu hành lang pháp lý để xử phạt". Nhưng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, chế tài xử phạt... là do chính chúng ta xây dựng nên. Vậy thiếu cái gì, thiếu do đâu, tại sao lại thiếu khi tình trạng thực phẩm bẩn đã kéo dài lâu nay, ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng hơn cần được trả lời và quy trách nhiệm cụ thể? Ngăn chặn thực phẩm bẩn cần sự vào cuộc thật sự, cần chế tài "nghiêm và mạnh" chứ không chỉ "vụ nào giải quyết vụ đó" một cách đối phó như hiện nay.

Nguyên Khanh

>> Họa thực phẩm “bẩn”: Thịt và hải sản
>> Công khai thông tin thực phẩm bẩn
>> Một buổi sáng, phát hiện 9 vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”
>> Phát hiện một lượng "khủng" chất tạo nạc
>> Thu giữ nhiều sản phẩm chất tạo nạc
>> Kiểm tra hóa chất, phụ gia thu giữ tại cơ sở cà phê "đểu
>> Hãi hùng cà phê “đểu”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.