Ngày 20.6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức buổi hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019 - 2020”.
Số liệu báo cáo của Bộ NN-PTNT tổng hợp từ các địa phương cho thấy phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376 ha.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng các quy hoạch vùng sản xuất tại ĐBSCL đã bị xâm nhập mặn làm cho nó không còn phù hợp nữa và đang được Bộ NN-PTNT nghiên cứu điều chỉnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư công trình kiểm soát mặn kết hợp hỗ trợ, bổ sung nước ngọt cho vùng. Vùng ĐBSCL sẽ được chuyển đổi sản xuất theo hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo thay cho quy hoạch theo hướng ưu tiên lần lượt là lúa gạo - trái cây - thủy sản như trước kia. Bộ NN-PTNT sẽ định hướng xây dựng kế hoạch trên theo 3 nhóm giải pháp gồm ngăn mặn, cấp nước ngọt; trữ ngọt và nhóm thứ 3 là chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Kinh phí dự kiến thực hiện mục tiêu này sẽ hơn 41.000 tỉ đồng”, ông Cường cho biết.
Cũng tại hội nghị, Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại khu vực ĐBSCL và nhiều tổ chức khác nhận bằng khen vì đã có thành tích tốt trong tuyên truyền về thiên tai, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020.
Bình luận (0)