Nghiên cứu, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và các tổ chức châu Âu, đã thu thập phản hồi từ hơn 1.000 người tham gia nghiên cứu, từ 35 quốc gia và đã có 289 người kể lại những trải nghiệm cận tử của mình, theo Natural News.
Thang đo Trải nghiệm Trước khi chết của Greyson
Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư Daniel Kondziella, từ Đại học Copenhagen, đã sử dụng công cụ Thang đo Trải nghiệm Trước khi chết của Greyson (gọi tắt là Thang đo Greyson), để đánh giá câu hỏi.
Tiến sĩ Bruce Greyson, giáo sư danh dự tại Đại học Virginia (Mỹ), đã phát triển thang đo này nhằm đánh giá độ xác thực của trải nghiệm cận tử của mỗi người, qua bảng câu hỏi về 16 triệu chứng cụ thể.
Trong nghiên cứu, trong số 289 người kể về cảm giác cận tử, có 106 người đạt ngưỡng 7 điểm trên thang đo Greyson. Đạt 7 điểm trở lên nghĩa là được chứng thực đó là một cơn hấp hối thực sự, nghĩa là 106 người này đã thực sự “đối mặt với cái chết”, theo Natural News.
Họ đã kể gì?
Họ đã kể lại những trải nghiệm, từ cõi trần cho đến những sự hãi hùng.
Một phụ nữ 32 tuổi, cho biết cô bị hấp hối lúc 8 tuổi, khi cô bị đuối nước. Cô kể mọi việc đã diễn ra rất bình yên và cô vẫn nhớ rõ sau 20 năm.
Một người khác kể lại cảm giác dễ sợ hơn.
Một phụ nữ 28 tuổi, suýt chết sau khi bị hành hung tàn bạo, cho biết cô nhìn thấy giống như những linh hồn hay ác quỷ. Đầu tiên, cô thấy họ ở trước cửa nhà, rồi sau đó họ đến ngồi lên ngực cô, theo Natural News.
Một người đàn ông 28 tuổi khác, sống sót sau khi suýt chết đuối, cho biết cảm giác giống như linh hồn của anh bị hút đi. Anh đã gặp những người thân đã chết của mình, rồi linh hồn anh quay lại nhập vào cơ thể.
Người đàn ông kể: "Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một đường hầm to lớn tối thui, và ở cuối đường hầm, có một luồng ánh sáng rực rỡ. Tôi thấy những người thân đã chết của tôi đứng ở cổng, có cả bà ngoại tôi. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì với nhau. Nhưng sau đó tôi cảm thấy mình bị hút ra khỏi đường hầm và tôi ngã xuống, nhập lại vào cơ thể", theo Natural News.
Cơn hấp hối và giai đoạn chuyển động mắt nhanh của giấc ngủ
Giáo sư Kondziella đã trình bày những phát hiện này tại Hội nghị của Viện Hàn lâm Thần kinh học châu Âu lần thứ 5 ở Na Uy vào tháng 7.2019, nhưng thông tin này mới được đăng trên Natural News mấy ngày qua.
Dựa trên các nghiên cứu trước đây về hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra mối liên quan giữa cơn hấp hối và giai đoạn chuyển động mắt nhanh của giấc ngủ.
Đây là giai đoạn não hoạt động mạnh nhất và xuất hiện các giấc mơ, gọi là giấc ngủ REM, tạm gọi là giai đoạn ngủ mơ.
Theo các nhà nghiên cứu, khi giai đoạn ngủ mơ này xâm nhập vào trạng thái tỉnh giấc, sẽ dẫn đến ảo giác thị giác và thính giác, cũng như các triệu chứng khác như tê liệt khi ngủ. Trong trạng thái tê liệt khi ngủ, mọi người có ý thức nhưng không thể cử động được, theo Natural News.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, việc xâm nhập của giai đoạn ngủ mơ này vào trạng thái tỉnh giấc thường xảy ra ở những người đạt điểm 7 trở lên trên thang đo Greyson và ít gặp ở những người đạt điểm 6 trở xuống, trong nghiên cứu.
Phát hiện này đã xác nhận mối liên quan giữa cảm giác cận tử với sự xâm nhập của giai đoạn ngủ mơ vào trạng thái tỉnh giấc, giáo sư Kondziella cho biết. Vì vậy, việc xác định các cơ chế sinh lý đằng sau sự xâm nhập của giai đoạn ngủ mơ vào trạng thái tỉnh giấc có thể giúp gợi mở về cảm giác thực sự trước khi chết, theo giáo sư Kondziella, theo Natural News.
Bình luận (0)