Nghiên cứu sinh bị 'tố' do sử dụng đề tài từng làm trước đây!

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/12/2023 17:41 GMT+7

Sau khi đề tài luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh T.H.A được bảo vệ thành công, một số giảng viên đã 'tố' lên đơn vị đào tạo vì cho rằng đề tài này 9 năm trước từng được chính ông A. bảo vệ nhưng không đạt.

Việc 'tố' ông T.H.A sử dụng đề tài 9 năm trước nhưng chưa bảo vệ thành công nay tiếp tục làm nghiên cứu sinh có hợp lý không? Và việc làm của ông A. có vi phạm quy định bảo vệ luận án tiến sĩ hay liêm chính khoa học?...

Ngày 9.9 vừa qua, nghiên cứu sinh T.H.A (khóa 2016-2019) đã bảo vệ thành công đề tài tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh có tên "Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản: Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Một nghiên cứu sinh bị "tố" khi 2 lần làm tiến sĩ chung một đề tài - Ảnh 1.

Thông tin về buổi bảo vệ đề tài tiến sĩ của nghiên cứu sinh T.H.A

CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên ngay sau đó, nhiều giảng viên đã phát hiện ra nghiên cứu sinh T.H.A đã từng bảo vệ đề tài chuyên ngành kinh tế học có tên tương tự tại Học viện khoa học xã hội ngày 8.11.2014. 

Cụ thể tên đề tài lúc đó là "Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản (nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)". Được biết luận án của ông A. đã bị đánh giá là không đạt vào thời điểm đó.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự việc ông T.H.A lấy chính đề tài của mình trước đây, như vậy liệu có phải là đã vi phạm liêm chính khoa học hay không? Chúng tôi cũng đã phản ánh việc này lên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhưng không được phản hồi", giảng viên "tố" nghiên cứu sinh cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: "Nghiên cứu sinh T.H.A đã bảo vệ luận án tiến sĩ vào ngày 9.9 mới đây. Theo quy định, sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, trường sẽ công bố đề tài để xã hội phản biện. Sau thời gian 3 tháng trường sẽ lập hội đồng thẩm định luận án một lần nữa".

Theo tiến sĩ Quốc Anh, hội đồng chấm luận án cũng đã biết trước đây ông A. gặp trục trặc trong quá trình làm tiến sĩ với đề tài nghiên cứu "Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản (nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)". Do đó người hướng dẫn đã góp ý để ông A. thực hiện theo hướng mới. Theo đó tên đề tài cũng được điều chỉnh, đồng thời nghiên cứu sinh cũng đã có thêm một số bài báo khoa học.

"Có thể đề tài của ông A. có những điểm trùng nhau so với trước đây, nhưng hội đồng đánh giá sẽ căn cứ vào những điểm mới và kết quả mới để chấm điểm. Sau khi có phản biện của xã hội, trường đang lập hội đồng thẩm định để xem xét, đánh giá và sẽ công khai kết quả cuối cùng", tiến sĩ Quốc Anh cho biết.

Về tình huống này, nguyên trưởng phòng sau ĐH của một trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định việc "tố" nghiên cứu sinh T.H.A là không đúng. 

"Một nghiên cứu sinh khi làm đề tài tiến sĩ không đạt tại đơn vị A, hoàn toàn có thể làm lại đề tài đó theo hướng tiếp cận mới và được đánh giá đạt ở trường B. Chỉ khi nào nghiên cứu sinh sao chép đề tài của người khác mà bảo vệ thành công mới là vấn đề nghiêm trọng", vị này chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.