'Nghiện' làm đẹp

Thanh Nam
Thanh Nam
09/11/2018 14:02 GMT+7

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Thế nhưng cái gì quá cũng thường không tốt. Và đến mức 'nghiện' thì càng không tốt.

"Nghiện" làm đẹp, mất nhiều cơ hội
Diễn viên trẻ H.T., cựu sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, cho biết từ khi vào năm nhất đã tham gia đóng phim. Cô gái 24 tuổi này được nhiều người trong nghề đánh giá có triển vọng.
Thế nhưng từ hơn 3 năm nay, H.T. cảm thấy tự ti, mặc cảm, không dám tiếp xúc với bạn bè vì gương mặt biến dạng của mình. H.T. cho biết đã "nhờ cậy" vào phẫu thuật thẩm mỹ với hy vọng ngày càng đẹp hơn, phù hợp với nhiều vai diễn hơn. Thế nên H.T. đã quyết định thẩm mỹ mắt, cằm, căng da... và chờ ngày được "đẹp lộng lẫy".
Tuy nhiên ngược lại với ước mơ ấy, gương mặt đáng lẽ ra phải đẹp thì lại không hài hòa với vóc dáng. Mũi lẽ ra cao hơn sẽ nhìn bắt mắt hơn nhưng H.T. lại thấy không phù hợp với môi... Gương mặt khả ái, hài hòa trước đây đã không còn nữa. Mà đã chưa đẹp thì phải làm lại. Từ đó khiến H.T. "nghiện" lúc nào không hay. Nữ diễn viên trẻ này tiếp tục tìm kiếm những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khác để chỉnh sửa tiếp, với mong muốn phải đẹp.
Nhưng càng làm càng... xấu đi, như lời H.T. nhận định. Xem lại những phim từng diễn xuất, H.T. càng cảm thấy chán nản bế tắc hơn. Thời gian gần đây, sau khi đã phẫu thuật thêm nhiều lần, H.T. mới có chút tự tin gặp bạn bè, đồng nghiệp. 
H.T. nói: "Mình đã sai lầm khi quyết định làm đẹp, rồi sau đó mắc chứng 'nghiện' làm đẹp luôn. Cũng vì lý do này mà đã đánh mất nhiều cơ hội làm nghề. Trong 3 năm qua, dù có những lời mời đóng phim, đóng MV, nhưng mình phải từ chối vì không dám vác gương mặt 'thay đổi 180 độ' này gặp ai cả".
Nhu cầu muốn mình ngày càng đẹp hơn đã khiến nhiều người trẻ mắc phải hội chứng "nghiện" làm đẹp ẢNH: Shutterstock
Càng làm, càng ghiền
Đó là chia sẻ thật của bà Nguyễn Thu Như, Bệnh viện thẩm mỹ D. (đường 3 tháng 2, Q.10, TP.HCM). Bà Như bảo: "Có nhiều khách thừa nhận càng làm đẹp càng ghiền, và không thể dừng lại được". Chính vì thế, ở bệnh viện thẩm mỹ mà bà Như đang làm, có những người, hầu hết là người trẻ, là những... khách hàng thường xuyên. Chỉ sau vài tháng lại tìm đến, tìm một dịch vụ làm đẹp mới mẻ với mục đích khiến cơ thể hoàn hảo.
"Có cô gái 23 tuổi ở H.Trảng Bom, Đồng Nai, 2 năm nay phần lớn là ở bệnh viện thẩm mỹ. Ban đầu là triệt lông vĩnh viễn, laser thẫm mỹ, rồi sau đó hút mỡ bụng, thẩm mỹ cằm, thân hình...", bà Như kể.
Thực tế, qua chia sẻ của nhiều bạn trẻ, nhất là giới nữ, thì luôn có ước mơ ngày càng đẹp hơn, và tìm đến làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những cách để biến ước mơ thành sự thật. Nhiều người thú thật số tiền dành cho làm đẹp mỗi năm lên đến cả... trăm triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân càng làm đẹp càng ghiền, Lý Thu M., sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, đã kể về trường hợp của chính bản thân mình.
Đó là khi sửa mũi, tưởng chừng sẽ đẹp. Nhưng vì thấy da kéo căng lại nên quyết định cắt mắt, làm mắt to hơn cho phù hợp. Sau đó vì thấy mũi và mắt đã đẹp nhờ "dao kéo" thì tại sao không biến môi, cằm đẹp theo cách tương tự. 

"Với sở thích, ý muốn ngày phải càng đẹp hơn sẽ khiến không ít người bị 'nghiện' làm đẹp luôn". Và mình cũng vậy, cũng là người nghiện làm đẹp", M. kể.
Tương tự, Nguyễn Kim C., 25 tuổi, nhân viên bán hàng của một siêu thị điện máy trên đường Cách mạng tháng 8 (Q.10, TP.HCM), cho biết đã thực hiện tổng cộng 9 ca phẫu thuật thẩm mỹ suốt gần 4 năm qua. C. kể: "Khi đã sửa mũi, cắt mắt, thì sẽ nghĩ đến việc sẽ gọt cánh mũi cho nhỏ lại. Tâm trí lúc nào cũng nghĩ 'phải đẹp, phải đẹp', nên chắc chắn khi thấy bộ phận nào không vừa ý, chưa hài lòng là có ngay ý đến dịch vụ làm đẹp để 'đập đi xây lại' ngay. Lúc mặt mũi mắt cằm đẹp thì... lại muốn thân hình đẹp để cơ thể trở nên hoàn hảo... Tóm lại là, khi đã 'nghiện' làm đẹp rồi, thì thấy bộ phận nào trên cơ thể cũng muốn 'sửa' lại cả".
Cẩn thận khi làm đẹp
Suốt thời gian qua có rất nhiều vụ việc cơ thể bị biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Như vụ một bạn trẻ ở Đà Nẵng vì tiêm thuốc giảm cân dẫn đến sốc thuốc suýt chết vào cuối tháng 10 vừa qua đã gây xôn xao dư luận. 
Tương tự, một cô gái 28 tuổi ở Bình Dương đã phải nhập viện cấp cứu vì tiêm chất làm đầy để nâng mũi. Bỏ ra 10 triệu đồng để tiêm chất làm đầy tại một spa ở Bình Dương, thế nhưng sau một ngày tiêm thì "tiền mất tật mang", vùng mũi bị đau nhức rồi sau đó mũi sưng đau nặng, phải đi cấp cứu.
Mới đây nhất, một nữ sinh viên (19 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) đến một cơ sở thẩm mỹ ở Q.4 (TP.HCM) để sửa mũi bằng cách bơm chất làm đầy. Nhưng sau đó, cô gái này bị tê đau nhức vùng mũi và da xung quanh mắt, bị nhiều biến chứng. Đến bệnh nhân để khám thì được chẩn đoán bị nhiễm trùng hoại tử vùng mũi sau khi tiêm chất làm đầy nâng mũi...
Chưa kể trên các diễn đàn cũng thường xuyên đăng tải những vụ việc các nam thanh nữ tú phải nhập viện xử lý hậu quả do đi làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, spa, hoặc bị biến chứng sau tiêm filler trong quá trình làm đẹp, thậm chí có trường hợp mù cả mắt không thể cứu chữa được.
"Nhiều người trẻ nghe ai giới thiệu cơ sở nào làm đẹp là vội vàng tìm đến để tiêm filler làm đầy, làm trắng gia, tiêm silicon... mà quên đi tìm hiểu kỹ cơ sở ấy có uy tín hay không. Chưa kể nhiều người mong làm đẹp nhưng chọn những 'gói' vừa rẻ vừa đẹp, dẫn đến những cuộc phẫu thuật không đảm bảo, gặp phải nhiều biến chứng", Trần Ái Linh (24 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn, Q.Tân Bình), cho biết.
Theo Linh, khi muốn làm đẹp thì nên tìm hiểu kỹ cơ sở có uy tín và phải biết chất được bơm vào cơ thể mình là chất gì, có được công nhận hay không, có còn thời hạn sử dụng không, và phải xin tư vấn thật kỹ lưỡng. Chưa kể khi đi làm đẹp cần dẫn theo người thân, để đề phòng những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Và tuyệt đối nói không với những cơ sở chui, không giấy phép...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.