Ngộ chữ - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

07/04/2024 08:30 GMT+7

Hắn phát hiện ra một công cụ thú vị, chuyển giọng nói thành chữ viết. Tất nhiên hắn không phải là người đầu tiên dùng ứng dụng này, nó có từ vài năm nay nhưng giờ hắn mới biết.

Thứ này giúp hắn, một kẻ mắt đang kém dần và bắt đầu lâm vào tình trạng khá vất vả trong việc viết, kể cả trên máy tính, dù chưa đến 40 tuổi. Viết bằng tay thì kể từ khi ra trường là thôi. Trong trường đại học chỉ có vài thứ hắn viết tay, những bài thi và kiểm tra tại chỗ mà nhà trường không cho dùng máy tính, và thư gửi Nguyệt. Thứ còn lại là những bài thơ và vài truyện ngắn, đa phần dang dở không đầu không đuôi.


Ngộ chữ - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Một tờ báo dành cho lứa tuổi xanh mở cuộc thi viết, lúc này hắn đã ra trường được hai năm và đang vật lộn với những công việc vớ vẩn để tìm cách trụ lại thành phố. Nguyệt thì sắp tốt nghiệp. Một buổi trưa, sau bữa cơm bụi lèo tèo cơm canh nguội ngắt, đang cùng im lặng ngóng ra con đường đầy xe cộ rầm rập những mặt người xa lạ, Nguyệt bỗng bảo hắn: Sao anh không thử gửi truyện ngắn dự thi, được giải khuyến khích cũng vui mà, có khi đỡ được vài tháng tiền nhà trọ. Thế là hắn hì hụi ngồi sửa một truyện hắn cho là khá nhất. Nguyệt bảo, phải gửi ba cái, thêm cái này, cái này nữa. Hắn lại bỏ thêm buổi chiều ngồi trước máy tính gõ gõ thêm thắt, xóa chỗ này kia. Truyện gửi đi, hắn cũng quên bẵng cho đến một hôm Nguyệt vội vã gọi cho hắn, anh được giải rồi. Giải gì? Giải tuổi xanh chứ giải gì. Giải khuyến khích à em, bao nhiêu? Bao nhiêu cái gì. Giải nhì, anh được giải nhì rồi!

Về nhì? Hắn cũng vui vui, vì thấy Nguyệt hớn hở. Tiền giải, hắn đưa hết cho Nguyệt, rồi cũng quên đi. Cho đến một hôm, cũng lại Nguyệt nói chuyện với hắn, trong hàng lô hàng lốc chuyện phố chuyện quê. Chuyện là tạp chí văn nghệ địa phương quê của hai đứa đang tuyển người. Ưu tiên người trẻ và có giải thưởng, anh ạ. Không trung ương thì địa phương. Lần đầu tiên đấy. Họ gọi là trải thảm đỏ.

Bỗng hắn nhìn thấy thứ người ta thường gọi một cách văn vẻ là ánh sáng cuối đường hầm. Vật lộn mãi trong đường hầm tối thui mà đường đến cuộc sống thành thị cao sang chẳng thấy. Thứ ánh sáng này chỉ hướng về quê lập nghiệp. Bỗng hắn nhìn thấy thứ mà hắn thiếu bấy lâu, cũng lại gọi một cách văn vẻ là thiếu quê hương.

Thế là hắn lặng lẽ về và từ bến xe hỏi đường đi thẳng đến tạp chí địa phương, lúc đó hắn mới biết có tên Non Xanh. Không thấy thảm đỏ nhưng đúng là người ta đang cần người như hắn. Nguyệt nghe hắn kể thì mặt đanh lại, mãi sau mới nói giọng luận tội, tức là anh quyết mà không cần hỏi ý em nhỉ. Hắn thanh minh, đã quyết gì đâu, nhưng Nguyệt vẫn im lặng sấm sét. Khi người ta gọi về ký hợp đồng hắn vẫn về. Nguyệt cắt liên lạc cả năm trời, bỗng một hôm gọi điện, công việc của anh thế nào, em cũng không muốn tìm việc ở thành phố nữa, toàn gặp lũ khốn. Thế em về đi. Nguyệt về như chỉ đợi hắn nói thế. Rồi cưới.

Công việc biên tập, sửa bài cho tạp chí Non Xanh thì vẫn phải dùng bút. Bản thảo nếu được gửi vào hòm thư điện tử thì được in ra và những người liên quan ở mọi khâu để lại bút tích trên đó. Bản thảo trên giấy được các tác giả gửi đến cũng phải vào sổ ghi rõ ngày tháng nhận được, chuyển cho ban nào ban nào… Hắn là biên tập bước một về văn xuôi, được tòa soạn chỉ định dùng bút bi màu xanh lam, loại màu mực rất phổ thông. Thư ký tòa soạn mới được điều chuyển từ văn phòng tỉnh ủy sang tạp chí. Quy định đầu tiên trong nhiều thứ quy định mà ông ta đưa ra là mỗi "vị trí công tác" khi viết vào bản thảo phải dùng một màu mực riêng. Ở khâu đầu tiên có người biên tập bước một như hắn, rồi người biên tập bước hai (phụ trách phần thơ, văn xuôi, hay lý luận phê bình, dịch…) dùng bút đỏ, rồi bản thảo được đưa lên chính ông tân thư ký tòa soạn - người sử dụng loại bút có màu xanh nõn chuối. Nếu qua được cửa ải này, bản thảo được chuyển đến phó tổng biên tập rồi tổng biên tập.

Đường đi của một bản thảo đến đích cuối cùng trở thành hình hài nằm trên tạp chí văn nghệ địa phương còn dài. Bản thảo được duyệt sẽ chuyển ngược về phòng đánh máy, sau đó nó lại được chuyển qua người đọc dò thứ nhất, rồi thứ hai (những người này cũng phải dùng những màu mực khác), rồi họa sĩ dàn trang (bút chì). Những trang dàn xong, trong nghề gọi là bản bông, lại được đọc dò lần nữa. Rồi, theo quy định mới của tân thư ký tòa soạn, lại được chuyển qua người biên tập bước một, rồi người biên tập bước hai… cứ thế tuần tự lên đến tổng biên tập.

Từ khi tân thư ký tòa soạn, nguyên là cựu phó văn phòng nhậm chức, các bản thảo, bản bông của tạp chí khởi sắc. Hiểu theo nghĩa đen. Chúng như màn pháo hoa tưng bừng vạch ngang văng chéo từ giữa trang giấy bung ra tứ bề, nở ra những con chữ nhiều màu sắc ở cả hai bên lề và trên lẫn dưới.

***

E kể cho a chuyện này nhé.

Điện thoại của hắn rung lên, là tin nhắn của Nguyệt. Nhưng Nguyệt này là cô đánh máy kiêm văn thư của tạp chí chứ không phải Nguyệt vợ hắn. À, phải gọi là vợ cũ mới đúng.

Hắn đọc vào phần trả lời tin nhắn:

Chuyện gì đấy? Em lại rảnh rỗi rồi à? Sáng vừa kêu hôm nay nhiều văn bản phải đánh quá cơ mà?

Từ khi phát hiện ra cái ứng dụng chuyển giọng nói thành chữ viết, hắn sử dụng luôn vào phần chat chít trên mạng. Rất nhanh chóng, những dòng chữ ùa ra xếp hàng trên màn hình, cứ như có một cô thư ký vô hình thực hiện mệnh lệnh của hắn ngoan ngoãn vô điều kiện.

Chuyện là có một đám cưới của 2 người này trong cùng CQ. Là lấy vợ lần thứ 2 và lấy chồng lần thứ 2

Hắn thả mặt cười và chờ Nguyệt đánh tiếp nội dung câu chuyện. Hắn đã bảo cô về cái ứng dụng đọc ra chữ, và còn biểu diễn nó cho cô xem để thấy thứ này giúp phản hồi các tin nhắn trên mạng rất nhanh. Cô có thử rồi bảo, em không thích dùng cái này. Em đánh nhanh hơn nó, với lại cái tin nhắn của em nó đúng là tin nhắn. Còn như anh, nó là cái gì ấy, mà thôi em kệ anh.

Nhưng sự chú í lại tập trung vào một ng không đến. Không đến dự đám cưới ấy. Cũng là ng trong cq luôn

Hắn khá thích thú khi nhìn những dòng chữ và ký hiệu từ tin nhắn của Nguyệt. Cô nói đúng, tin nhắn của cô hắn liếc qua là nhận ra ngay mà không cần nhìn tên người gửi. Không những nó đúng là tin nhắn, mà nó đúng là tin nhắn của cô.

Ồ sao thế. Cùng cơ quan sao lại không đi chứ? Mà cả hai người cưới hôm ấy đều ở cùng một cơ quan à? Thế thì có phải mừng gấp đôi không nhỉ? Ông kia chắc xót tiền nên lấy cớ không đi để giảm chi đúng không?

Chán anh! Đang chuyện TY lại nghĩ ngay sang xu hào được

Tại em ấy. Cưới đâu có nghĩa là yêu, mà yêu chắc gì đã cưới. Đã thế lại còn cưới lần thứ hai. Lần thứ hai thì nên đi đăng ký rồi báo hỷ là được, đừng làm phiền người khác, khiến họ mất thời giờ và lại còn mất thêm tiền nữa. Ấy là anh đang nói đến những người đã mừng cưới lần thứ nhất rồi! Hahaha

Từ khi sử dụng cái phần mềm kia, các tin nhắn của hắn dài ra và ngẫu hứng hơn. Lúc này thì hắn đang vui, đúng hơn là thấy buồn cười - buồn cười chưa chắc đã là vui? - khi nhìn vào cái bản bông đêm pháo hoa trên bàn làm việc. Những lời hắn nói vào điện thoại khi trơn mồm, tùy theo tâm trạng như lúc này, cứ thế răm rắp hiện lên. Hắn chỉ việc chỉnh sửa một số từ, dấu chấm phẩy hay viết hoa ở tên người hay đầu câu; hoặc ở những câu mà phần mềm không phân biệt được đã hết hay không. Nghề sửa văn bản là nghề của hắn mà.

Nhưng chính thế nên tin nhắn của hắn không giống tin nhắn? Hắn bỗng nhớ ra chưa bao giờ hỏi Nguyệt điều này. Không giống tin nhắn thì nó giống cái gì đây?

A lại linh tinh rồi. Lấy lần 1 chưa chắc đã y bằng lấy lần 2 nhé. Mà y có thể không cưới nhưng đã cưới thì phải là y nhé!!!

Ba dấu chấm than. Cô rất ít khi dùng dấu câu nói chung chứ không chỉ chấm than, mà lần này lại những ba dấu. Hắn hình dung rất rõ vẻ mặt của cô khi nói những lời kiểu này về chủ đề này. Môi trên cô sẽ cong lên và khi câu nói kết thúc, cô sẽ khẽ há miệng để chiếc răng nanh trắng muốt hàm dưới cắn nhẹ vào vành môi. Mắt cô cũng sẽ liếc xoáy vào mặt hắn để rồi ngay lập tức quay đi nhìn vào một điểm chơi vơi trong không trung.

Hắn vội thả một icon âu sầu nham nhở nhún vai. Kinh nghiệm cho thấy những lúc như thế chỉ nên im lặng.

Cô cũng im lặng khá dài và đúng lúc hắn định bấm nút gọi để dỗ dành dàn hòa thì tin nhắn của cô lại bật ra trên màn hình.

Tha cho a đấy. Vì e đang muốn kể nốt chuyện này

Uh uh, anh cũng muốn nghe lắm!

Ngày trước, con bé đó cặp bồ với ô kia, dẫn đến bỏ ck. Một thời gian ngắn sau, vk của anh nó cặp cũng bị bệnh chết. Nhưng 2 người lại không đến với nhau mà tách ra đi lấy người khác. Con bé lấy thằng cũng trong cq.

Anh nó cặp? Một người khác à? Chuyện gì phức tạp thế?

Chán anh quá thế mà cũng làm biên tập. Vẫn là một người thôi

Hic hic. Chuyện đời cũng éo le loanh quanh quá nhỉ?! Mà em kể chẳng có đầu đuôi gì ấy.

Bấm nhắn xong, hắn mới hiểu hết ra chính cái éo le ấy. Trước đó, sự chú ý của hắn tập trung vào chuyện hai người khi có điều kiện rồi, lại không lấy nhau. Với hắn đó là éo le. Nhưng bỗng hắn hiểu, hắn thường chậm hiểu trước những câu chuyện của cô, hắn hiểu ra ba nhân vật trong câu chuyện này đều làm cùng một nơi. Là người viết văn, hắn thấy đây là một hoàn cảnh điển hình, độc đáo với những nhân vật đương nhiên cũng vô cùng điển hình, độc đáo. Hắn chợt hiểu ra mình thật bất tài. Mà chả phải riêng hắn, bởi nếu so sánh tác phẩm với sự thật cuộc sống con người, tất cả các nhà văn đều trở thành bất tài cả.

Vậy mà, trong suốt quá trình, đến lúc con bé sắp lấy ck, ô kia không bit. Không đi đám cưới vì sốc toàn tập, ốm liệt giường luôn

Khổ quá, sao phải thế. Nó muốn giải thoát thì cho nó đi thanh thản chứ. Anh đi ăn trưa đây. Mấy ông bạn đang gọi rồi!

Nhậu ít thôi, chán anh

***

Hắn thử dùng cái chức năng thư ký ấy vào việc viết của riêng hắn. Nghĩ ra cái gì hay hay, hắn cầm điện thoại lên và đọc. Vài câu thơ. Một đoạn văn. Vài việc cần nhớ. Tuy nhiên khá mau chóng hắn nhận ra sự khác biệt rõ ràng: việc viết, theo nghĩa dùng cây bút, hay gõ phím máy tính, hay bấm những ký tự bé tí trên màn hình điện thoại - kể cả chỉ một vài chữ hay một câu ngắn cũng rất khác với một câu hay một đoạn văn bản được hình thành từ lời của hắn.

Thế còn những người thay cho việc nói trước đám đông, lại lôi một văn bản ra đọc? Có lẽ lúc nào hắn phải hỏi Nguyệt, để xem cô sẽ bảo gì. Có lẽ cô sẽ bảo đấy không giống lời nói nữa.

Nhiều năm, hắn làm công việc biên tập hằng ngày. Có lúc hắn bỏ cả câu hay cả đoạn rồi viết lại. Hắn săm soi chữ nghĩa trên văn bản, sửa những phụ âm sai (dòng hay giòng, xử dụng/sử dụng) hay sửa những từ thô hoặc diễn đạt sai. Công việc này có cả yêu cầu tính đếm số chữ của văn bản khiến hắn xuất hiện thói quen nhìn vào bảng thống kê số chữ, thậm chí thống kê số ký tự của văn bản và dần dần trong đầu hắn xuất hiện một viên kế toán tính đến từng chữ một. Đây là một căn bệnh ngày càng trở nên nặng hơn, hắn biết, dù hắn không hiểu tại sao mình lại phải làm như vậy. Tòa soạn có yêu cầu ghi số chữ trong bản thảo lên đầu văn bản, nhiều người chỉ ghi đại cũng có sao đâu. Nhưng hắn thì bị ám ảnh. Khi gặp trường hợp phải copy hay cắt một vài chữ để đưa lên đưa xuống trong văn bản, viên kế toán trong đầu gã săm soi từng thao tác một. Viên kế toán nhắc hắn làm từng động tác thế nào để các câu, thậm chí các chữ cái hay từ được sử dụng tiết kiệm nhất, theo nghĩa cơ học.

Một lần hắn phải đọc một văn bản của cơ quan trả lời bạn đọc cho Nguyệt đánh máy, lúc này Nguyệt vừa tốt nghiệp trường cao đẳng - trường gì thực ra đến giờ hắn cũng không biết, hoặc đã từng nghe mà không nhớ - và được ông chú "bảo lãnh" xin vào làm ở cái tạp chí này - ông chú tên gì, chức vụ ra sao hắn cũng không biết và không bao giờ hỏi. Hắn được dịp quan sát một người khác thao tác trên văn bản. Hắn thấy với những chữ đánh sai cô thẳng tay xóa bỏ. Ngón tay trắng trẻo xinh xinh như một nhạc công piano của cô gõ nhanh và mạnh trên phím backspace, rồi những ngón tay nhạc công lại múa thoăn thoắt để đánh ra những từ đúng mà hắn đọc. Hắn vội bảo cô, trong số chữ em vừa xóa đi có những chữ dùng được cơ mà?! Cô gái trẻ ngước mắt lên nhìn hắn như nhìn một người từ hành tinh khác rơi xuống. Nó bảo chú bị sao thế dở hơi à, xóa đi và đánh lại cả cụm còn nhanh hơn rất nhiều lần chú ạ. Lúc đó Nguyệt gọi hắn là chú, sau này chính cô bảo hắn: anh chỉ hơn em đúng một con giáp thôi, em gọi là anh. Do lúc đầu trông anh già lắm, mặt cứ khó đăm đăm lại càng già em mới gọi vậy. Giờ là anh, nghe chưa. Trở lại câu chuyện đánh máy văn bản, nói xong câu có chữ dở hơi, cô nhân viên văn thư đánh máy mới ấy thị phạm luôn, bôi đen một câu và bấm phím delete rồi những ngón tay lại múa lên, chỉ vài giây câu vừa bị xóa hiện lại y nguyên. Hắn bỗng hiểu ra, người đánh máy chỉ quan tâm đến việc đánh thật nhanh chứ không cần biết vừa xóa đi chữ gì hay đánh mới chữ gì. Còn hắn thì vẫn cứ nghĩ đi nghĩ lại về cái sự: những chữ lẽ ra vẫn dùng được mà tại sao bị xóa đi một cách oan uổng?? Hắn không dám nói với "con ranh" có đôi tay đẹp và ánh mắt trong trẻo ấy. Không cần con ranh phải bảo hắn dở hơi. Hắn tự biết mình dở hơi. Nhưng dù tự lý giải bằng cách nào, các loại logic về việc sử dụng thời gian ra sao đối với hắn đều bất lực. Hắn vẫn cứ day dứt trong đầu về những từ, thậm chí về những chữ cái đã bị xóa đi. Như thể đó là những người lính bị chết oan vì một mệnh lệnh ngu xuẩn hay một quan niệm vô nhân đạo của viên tướng nào đó.

Nhiều khi hắn cứ lẩn thẩn nghĩ về số phận của những chữ cái, những từ, hay những đoạn văn, câu thơ bị xóa bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.