Những cuộc đổi dời - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương

17/03/2024 08:30 GMT+7

Hoàng hiện lên sau ô cửa sổ, khoảng cách giữa mặt anh với ngực cô gái hẹp lại rồi giãn ra, giãn ra rồi thu lại theo nhịp thở phập phồng. Quyên có thể nhìn được lòng bàn chân mịn, một phần đùi bên dưới tấm chăn đắp hờ và phần cằm nhọn khi cô gái thỉnh thoảng lắc cái cổ. Người cô hơi gồng, lỗ chân lông chừng nở rộng, hơi nóng từ cơ thể cô thoát ra, ngưng lại rịn bóng trên trán anh.

Không biết có phải nhờ giác quan của người làm dịch vụ mà rất nhanh Hoàng nhận ra có người đến tiệm. Khi sắp bày ra một nụ cười kiểu mẫu thì Quyên đã tràn vào mắt anh. Hoàng đi như chạy về phía cô, nắng chiều làm tai anh hồng ửng lên. Trước đó, anh đã kịp tắt máy và nói người khách đợi mình chốc lát.

Những cuộc đổi dời - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

"Hình như hơi sớm hả Quyên?".

"Hôm qua Hoàng không nói có khách hẹn giờ này...".

"Nếu báo sớm thì hủy được, nhưng cỡ mười lăm phút nữa thôi".

Hoàng ngoái đầu nhìn cô gái đang duỗi dài trên nệm mút.

"Nốt đi, Quyên đợi".

Hoàng nhoẻn cười, anh đeo lại khẩu trang rồi quay vào trong. Quyên quành xuống hè, chỗ một ô cửa sổ khác mới được trổ cách đây không lâu. Cát và

xi măng rộp lên quanh ở vị trí trám chân chấn song nhôm. Quyên thấy bụi vón cục ngay chỗ trét

xi măng vụng về đó nhờ ánh sáng tỏa rộng của cây đèn chụp trên đầu Hoàng. Ánh sáng và tiếng rì rì khi Hoàng di máy xăm hút Quyên vào bông bỉ ngạn gần thành hình dưới xương quai xanh cô gái. Mắt cô nhòe nhoẹt đi vì tập trung vào thứ màu đỏ ối đó quá lâu. Quyên bèn dời ra chỗ khác.

Cảnh vật không khác nhiều lúc Hoàng và Quyên còn nhỏ. Trừ việc căn nhà xem chừng chật chội trên chính nơi nó trụ nhiều năm. Dội vào mắt Quyên từ phía đối diện là tấm bảng đề "Bán đất". Cô nhẩm đọc dãy số liên hệ và khi con số cuối vang lên trong đầu, Quyên nhận ra là số điện thoại của Hoàng.

Bước về cuối hè, Quyên thấy những kệ rau mầm xếp cao gần chạm mái che. Có nhiều cách trồng rau mầm nhưng dùng giấy ăn làm giá thể là cách thường thấy nhất. Đây là lần đầu tiên Quyên nhìn trực tiếp sản phẩm của Hoàng. Hoàng ngại, không muốn tiếp thị chuyện buôn bán với người quen. Quyên thì ngược lại, hiện giờ cô coi sự thay đổi là dĩ nhiên và cô dễ dàng chấp nhận nó. Trên đời này, thứ không thay đổi duy nhất là sự thay đổi - Quyên tâm đắc và luôn nhớ đến câu này.

Quyên ngước lên khi Hoàng tháo găng cao su. Hai người ra sau giếng, anh cần vệ sinh tay chân mặt mũi. Khi vòng lại sân trước, những giọt nước rớt xuống từ người Hoàng. Từ lúc nào anh lại tất tả như vậy và Quyên thầm hỏi xà phòng trên cánh tay anh không biết đã được gột sạch hết chưa.

Trời chập tối, họ bước qua một đoạn rào lưới bị gió bạt xiên xẹo. Mùa gió là đặc sản ở vùng này, nó làm ánh đèn dân sinh trở nên lạnh lẽo, rá mực khô từ đỏ hồng thành trắng dã. Mấy dây đậu phộng Tân Tân cọ vào nhau loạt xoạt trên cây treo tiệm tạp phẩm quen thuộc. Bà cụ bán ốc đã ngồi ở đây chừng hai mươi năm. Hai người ngồi xuống, Hoàng lể con bươu đen bằng một cái gai bồ kết, trong khi Quyên tranh thủ hít mùi sả gừng, thay cho những chua nồng căn cốt bay ra từ chỗ các chòi nhậu gần bên.

Chắp nối thông tin về nghề xăm của Hoàng trong những cuộc gọi của hai người, Quyên đoán anh đã bỏ bữa trưa nay vì bông bỉ ngạn kia và hiện đang cố giảm lượng a xít trong dạ dày bằng nửa cái bánh mì chấm nước ốc. Hoàng trong trí nhớ của Quyên lúc nào cũng cười lỏn lẻn khi nhắc đến ước mơ thành thầy giáo. Mơ ước thuở nhỏ sáng rõ chủ nghĩa anh hùng. Nhưng rồi lớn lên, "phi hành gia" sẽ lái ba gác giao hàng cho xưởng đồ gỗ, trong khi ở tiệm nail "họa sĩ" bật máy sấy móng tay cho khách.

Không có thầy giáo Hoàng với nụ cười hiền từ. Bấy giờ Hoàng là ai, không ai nói cho đúng được. Kể từ ngày mọi thứ bị dời đổi và cắt xẻ, không còn ai ở đây thấy rõ mình nữa.

"Lâu nay Hoàng có thường lên đó không?".

Hoàng ngước lên, mắt anh hơi đục.

"Không Quyên...".

Không nói thêm lời nào nhưng cả hai đều biết không khí nặng nề vì sự kiện công ty điện năng lượng mặt trời đột ngột mọc lên nơi này. Một thời gian dài, Hoàng dằn vặt với Quyên vì anh chịu chân bảo vệ ở công ty đó. Hoàng nghĩ cô giận nên mới từ chối không cho anh tiễn vào Nam. Thực ra Quyên không buồn Hoàng, mà vì cô sợ anh phải chứng kiến cô rời đi. Dù sự ra đi của Quyên và Phúc khác nhau hoàn toàn về bản chất.

Những cuộc đổi dời - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương- Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

Sáu năm, hơn hai ngàn ngày là dài hay ngắn. Có lúc Hoàng thấy dài, khi mà cần tìm lại những sự kiện quan trọng, tháng năm như bị kẹp chặt trong chiếc quạt xếp thời gian, cố sức mấy cũng không xòe ra được. Hoàng không thấy gì ở chuỗi ngày dài dằng dặc nhốt mình trong bốt bảo vệ, ngoài gam màu nóng nhức nhối: đỏ vàng của đất, cam cháy của nắng, vàng của nón bảo hộ, cam đỏ áo công nhân. Nhưng sáu năm cũng rất ngắn. Đó là những ngày Hoàng chạy đua với thời gian để giao kịp rau cho khách, trước khi tạo ra vài dấu vết trên da thịt con người.

Ngày Hoàng bứt khỏi công ty là lúc dự án hoàn thiện giai đoạn đầu. Trong ngắn ngủi vài năm, mọi người như bị thắt vào tàu lượn siêu tốc, từ mặt đất bị đẩy lên đỉnh trời rồi rớt vào một vùng vô định. Cuộc sang tay chuyển nhượng mục đích sử dụng đất hình như nằm ngoài định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Trái táo có mặt đất để đáp xuống còn những người mất đất thì không biết bám vào đâu.

Hai người tiếp tục đi. Chừng năm mươi mét là gặp đường lớn, đèn càng lúc càng sáng ở những chỗ đông người. Hai nhóm bầu cua ngồi tràn hết lối đi. Họ bỏ lại tiếng ồn náo sau lưng, bước tới chỗ tiệm tạp hóa đầu đường. Ngày trước chủ quán trồng một cái cây lớn ngay cạnh máng xối. Hiện giờ, nó đã biến mất, thay cho nó là hộp đèn quảng cáo tràn sát mép lộ. Chủ tiệm làm đại lý cho vài hãng xe khách đường dài. Cứ vài năm lại có thêm vài hãng xe ra đời, mọi người vào Nam mỗi lúc một nhiều thì phải.

- Đợt này Quyên có muốn thăm Phúc không?

Nghe Hoàng nhắc đến Phúc, Quyên hơi sững. Trời càng đêm, sương càng nặng. Trước mặt là con đường lớn loang loáng những vệt sáng khi xe vút qua. Đây từng là con đường đến trường của ba người, là đường đưa Quyên ra khỏi làng, cũng là đoạn đường Phúc đi lần cuối cùng. Phúc đi xa mãi mãi, Quyên lên phố, Hoàng cầm cự trên vuông đất kỷ niệm đang xói lở dần vì những xâm lấn của hiện tại. Sau khi lấy xong năm mươi lăm héc ta đất canh tác, công ty điện năng lượng mặt trời bắt đầu xử lý mặt bằng. Họ búng tay, thảm xanh bạt ngàn bốc hơi, thân hình thô tháo của đất trần ra bỏng rát. Đền đài tuổi thơ ụp xuống rồi bị băm vụn bởi những cải tạo, sắp xếp và xây lắp.

Trước đó, ba của Phúc đã không tham gia bất kỳ trận thương thảo nào trong mười bảy lần họp bàn giá bán, kể cả những buổi trà chiều có phông lông chuyện đất cát. Từ đầu, ông đã không đồng tình giao đất cho dự án. Ông giảng cho ba đứa trẻ về tác hại của những tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng. Ông nói rằng chưa có giải pháp nào tối ưu để xử lý số pin thì không nên mở rộng quy mô điện mặt trời.

Cuộc giằng co của ông cụ với công ty đã dẫn đến hậu quả khủng khiếp hơn những gì ông tính được. Phe đồng tình bán đất kéo tới nhà ông khi nghe dự án muốn rút lui. Chiêu bài của công ty nọ đã phát huy tác dụng, cuộc hỗn chiến bất ngờ xảy ra khi không ai muốn nghe ông phân tích thêm. Với họ, tác hại môi trường là thứ viển vông. Họ tấn công ba Phúc bằng những gầm gừ vằn vện máu, những cuốc, xà beng và bất cứ thứ gì nhóm người vợt được. Tình huống trở nên phức tạp, và rồi bản năng, Phúc nhào lên trước chắn cho cha. Một rãnh dài và sâu cắt từ giữa trán cậu lên tới đỉnh đầu. Ông già rú lên khi Phúc sặc máu của chính cậu, thoi thóp rồi lịm dần.

Sau sự việc đó, Quyên vào thành phố và không thường về nữa. Trước ngày khởi hành, Hoàng chở Quyên lên nghĩa trang thăm Phúc. Quyên bẻ mấy gộc củi khô, chất thành đống rồi đổ dầu lửa lên. Khói mờ đục bện từng dải túa ra mịt mù mọi thảy. Khi ngọn lửa đã ngà ngà, Quyên thả vào đó những món đồ còn lại của Phúc. Đốt đi Quyên, cháy hết đi! Quyên vun cho đống lửa đầy hơn. Lửa sượt qua tay Quyên nóng rần rật.

***

Ngày mai Hoàng có hẹn với Quyên lên thăm Phúc, trước lúc cô trở về Nam. Để có thời giờ cho Quyên, hôm nay Hoàng phải hoàn thành ca này đã. Khách đến là một cô gái trẻ, muốn xăm tên người yêu lên ngực. Hoàng nhắc đi nhắc lại rằng hình xăm không thể triệt để xóa được. Cô gái giọng ướt rượt nói với Hoàng, đời này em chỉ yêu anh ấy thôi.

Hoàng gật đầu, nói khách hàng nằm ngửa cởi bớt nút áo. Anh thấm dung dịch vệ sinh phần da chỉ định. Kế đó, anh scan tên người yêu cô gái trên giấy mực than rồi scan lên da của khách. Trong lúc đi máy xăm, Hoàng nghe chút gì đó vừa tắt trong lòng. Cả đời là bao lâu? Cuộc đời Phúc chỉ kéo dài mười bảy năm. Phúc nói sẽ thường cùng Hoàng qua sông, mót mía cháy về cho Quyên. Thế mà Phúc chết, Quyên rời làng, còn Hoàng thì đang xăm một cái tên lên ngực một cô gái trẻ. Cuộc đời mới chóng mặt làm sao!

Quyên muốn vào thăm con sông kỷ niệm của cả ba trước khi lên nghĩa trang. Hoàng dừng xe ngay đầu cầu. Quyên bước xuống lội bộ lên giữa cầu. Cô áp người vào lan can, dòng nước bên dưới như tấm kính lấp loáng khi nắng xiên xuống. Năm sáu người đang trầm mình giữa sông, nước trườn qua người bọn họ, lách qua từng ngách đá rồi chảy miết về hạ nguồn. Trên bờ, một tốp khác trải bạt nhựa ướp thịt gà, khói vấn vít bay lên. Hai bên mé sông, lác đác vài cái lán nhỏ mọc lên từ gồ ghề đá cuội, nhìn nhếch nhác vì bụi tro và xoong chảo lăn lóc. Khung cảnh đã khác xưa rất nhiều.

Hai người vòng xuống chân cầu, men theo bờ cỏ ngược lên đầu con sông. Càng cách xa lán trại và tiếng người ồn náo, nước càng xanh, trời càng trong. Những đụn bơm bớp cắm gốc trên bờ, tỏa nhánh phóng túng ướt rượt khi chạm mặt nước. Có thể do lâu ngày không còn ai tới đây nên cỏ dại mọc um tùm che lấp lối đi. Ngày xưa mỗi khi qua đây, ba người hay ghé khúc sông này nghịch nước. Hoàng kỹ tính nên luôn giành chỗ cao nhất vì nước sạch. Phúc luôn dịu dàng đỡ tay khi Quyên chấp chới ra chỗ sâu hơn. Cho đến ngày hôm đó, Quyên chưa từng nghĩ sẽ vĩnh viễn không còn thấy nụ cười hiền hậu của Phúc nữa...

Sau trận ẩu đả, ba Phúc không còn thiết tha thứ gì. Công ty nọ trả ông số tiền đất ngang giá với các hộ khác, cộng với sáu mươi triệu đồng, gọi là phúng điếu. Sau khi nhận tiền, trừ ba má Phúc vẫn sống lầm lũi trong căn nhà cũ, các hộ khác vui sướng hát ca ngày đêm. Quán nhậu, bia lắc xê và cà phê, thuốc lá dày trên quầy mica được dựng lên để phục vụ những sòng bầu cua lúc nào cũng nóng hầm hơi người.

Thế nhưng công cuộc hưởng thụ không kéo dài quá lâu. Nhiều người bắt đầu tìm cách rời làng xã sau khi tiền bạc đội nón ra đi, không còn đất canh tác nhưng nợ chồng nợ, đồ đạc có giá trị bị bán với giá rẻ mạt để cầm cự. Nhờ khéo léo, Hoàng học nghề xăm, miễn cưỡng trụ lại. Trong khi đó, ba mẹ Quyên dành số tiền bán đất để cô an tâm vào giảng đường.

Hoàng đèo Quyên rẽ vào con đường quen. Nghĩa trang mỗi lúc một rộng ra. Quyên đi tắt qua các dãy mộ, tìm chỗ Phúc nằm. Phúc vẫn giữ nụ cười tuổi mười bảy trên môi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.