Sao La vượt núi - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương

30/04/2023 08:30 GMT+7

Sao La chưa bao giờ ngừng hiếu kỳ về thế giới. Như một điều tra viên mẫn cán, cô dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi.


"Vì sao các loài hoa thường có ba hoặc năm cánh?".

Lúc Sao La hỏi câu này, tôi đang tráng chén trong chậu. Khi tôi quay lại thì chỉ thấy chiếc khăn ướt gấp tư giữa bàn ăn. Giọt nước tương tròn trĩu bị chao ra ngoài còn nguyên chỗ chiếc khăn chưa chùi qua. Sao La đã vào phòng trong. Cô ngồi xuống ghế, mở laptop và bật đèn bàn. Bên ngoài trời đã tối, căn phòng lại không được thắp sáng đầy đủ. Chỗ ngồi quay lưng với cửa phòng, nên nhìn từ phía sau, Sao La chẳng khác gì hố đen vũ trụ. Cô đang cặm cụi tìm thông tin cho thắc mắc mới.

"Hôm qua "thiên tiên" nói về tia N.", K. đang đau đầu vì ổ bông lan lõm đáy nhưng không quên góp chuyện.

"Ừm, người Pháp tìm thấy nó, ông ấy tên Blondlot nhỉ. Cô ấy nói tia phóng xạ đó bị phủ nhận bởi các nhà khoa học khác".

"Thiên tiên" là đại từ nhân xưng mà K. dành riêng cho Sao La. Theo K., chỉ có tiên cõi trời mới đủ năng lượng để não chuyển động không ngừng nghỉ như vậy.

"Khách tục như chúng ta sao hiểu được!", tôi đã nghe K. lặp lại câu này rất nhiều lần từ lúc chuyển sang đây.

Sao La vượt núi - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương  - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Tôi và K. là bạn thời trung học nên biết nhau sớm. Chúng tôi gặp Sao La ở vài buổi hội thảo về sinh trắc vân tay. Cách đây một năm, căn phòng tôi và K. đang trọ bị lấy lại. Sao La biết chuyện. Cô gọi tôi, nói rằng căn hộ cô đang ở có đủ ba phòng ngủ, vừa vặn cho ba người.

Khi chúng tôi chuyển tới, Sao La vừa thôi việc. Đó là chỗ làm thứ ba của Sao La sau khi tốt nghiệp. Hiện giờ, Sao La đang làm phóng viên mục giải trí cho một trang báo điện tử. Thời gian đầu, cô thường xuyên mất ngủ vì bí đề tài. Cô ăn uống qua loa đại khái. Ngay sau khi rời bàn ăn, Sao La vội vàng về phòng và ngồi vào bàn làm việc. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng người đối đáp trong phòng thì biết Sao La đang hỏi chuyện nhân vật của mình, xoay quanh MV mới hoặc một chủ đề nóng nào đó.

Ngoài công việc, Sao La còn quan tâm nhiều thứ. Cô mua nhiều hàng trên mạng. Vì K. thích các món bánh nên Sao La mang về nào thảm lót nhào bột, nào men nở, bột bắp, whipping cream... để đầy trong các ngăn tủ bếp. Cứ vài ngày, Sao La sẽ tha về một món, bàn chải điện mode mới, máy khử trùng dao thớt hoặc bút chì nảy mầm thành cây. Hôm nay, cô tấm tắc con nấm Scoby của K. nuôi nhưng hôm sau, hứng thú của cô có thể chuyển sang khí tượng nếu trời đột ngột trắng nhờ vì mưa. Tối đến, các ngôi sao hiện lên, cô sẽ nhắc lại sự kiện sao Diêm vương bị loại khỏi hệ Mặt trời.

"Là dãy số Fibonacci đấy chị!".

K. vừa máng khăn lau bàn lên giá thép thì Sao La chạy ào ra phòng khách. Sao La luôn ngạc nhiên và khoan khoái như vậy mỗi lần thỏa mãn được nhu cầu.

"Tên nhà phát minh, nhỉ?".

"Không phải chế tạo, nó có sẵn trong tự nhiên. Ông ấy, Leonardo Fibonacci đã tìm thấy nó", Sao La mau mắn ngồi xuống, nhón một mẩu bông lan trên đĩa tráng miệng mà K. vừa xẻ ra.

Sao La ăn bánh nhưng tôi cảm thấy thứ cô nhấm nháp là bình loa kèn nở lòe xòe trên bàn - niềm cảm hứng của cô hôm nay. Trong bữa tối, Sao La có vẻ không chú ý tới các món ăn. Cô tập trung vào bình loa kèn, thế nên cô mới đột ngột hỏi vì sao các loài hoa thường có ba hoặc năm cánh.

Hầu hết niềm say sưa của Sao La có vòng đời còn ngắn hơn thời gian sống của một con ruồi lính đen. Dấu hiệu cho biết thứ gì đó vừa chết bên trong Sao La là thời gian biểu của cô sẽ đảo lộn. Cô thức khuya và dậy rất muộn. "Chết không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhỉ!", K. nói. Tôi thì nghĩ có cái nẹp vô hình đang giữ xương sống của Sao La trong những ngày ấy. Thứ đó giúp cô đứng thẳng thớm và bước an toàn từ giường ngủ vào toilet mà không va đập trúng thứ gì. Cô không huyên thuyên, náo động giống thường ngày. Thay vào đó, cô rúc trong phòng khóc. Khi tôi hoặc K. gõ cửa, cô bày ra gương mặt nặng như cùm, tảng lờ mọi gợi ý hoặc mời mọc.

Gần đây, Sao La bắt đầu than vãn nhiều hơn về công việc ở tòa soạn.

"Không còn gì để làm cả! Em đã quen với mọi thử thách".

"Duy trì một công việc không có ý nghĩa với mình cũng là thử thách khó, sao cô không nghĩ tới?", K. phản ứng.

Không trách K. có suy nghĩ như vậy khi cô đã sáu năm ngồi thẩm định phim trong căn phòng bị quây bởi địa y bên ngoài, lúc nào cũng ẩm ướt và buồn bã.

"Em cần kết thúc nó và tìm một bắt đầu khác".

***

Tôi chuyển sang phòng K., nhường không gian để Sao La làm sân chơi mới. Cô đăng ký lớp học thời trang của một nhà thiết kế có tên tuổi. K. không mặn mà gì lắm trong lúc dọn đồ đạc. K. không muốn ở cùng với Sao La trong một chỗ bề bộn và nóng bức.

Cửa hàng chở tới hai chiếc máy may trám vào căn phòng trống. Hôm sau, Sao La đem tôi cùng ra chợ phụ liệu may mặc lớn nhất thành phố. Cô tha về bàn ủi hơi nước, bút bay, mút ngực với gọng nhựa... Sau bữa đó, Sao La lúi húi trong căn phòng ấy cả ngày. Cô khám cái này vọc cái kia như đứa bé con lần đầu bò ra đất.

K. thường xuyên lảng ra ở chỗ có tiếng Sao La. Dạo này cô ít vào bếp làm đồ ăn vặt. Sao La liên tục mượn cớ có việc cần nhờ để kéo K. vào phòng may. Tâm trạng K. cũng tốt lên nhiều.

"Không phải do cô ta giảng hòa, tôi vui vì "thiên tiên" học hành rất bài bản".

Đúng như K. nói, Sao La khá thông minh. Bài tập lý thuyết kỹ thuật chuyển pen, tạo nhún, tạo ly không làm khó được cô. K. bắt đầu giúp đỡ Sao La nhiều hơn khi cô thực hành may cúp ngực 3D kết hợp với tùng múi.

Sao La khá căng thẳng khi thực hiện ba sản phẩm tốt nghiệp. Cũng may, K. luôn giúp đỡ Sao La. Hiện thời, K. đã học lỏm được không ít các kiến thức về rã rập và kỹ thuật may lộn. Sao La quyết định dùng số đo của ba chúng tôi để làm sản phẩm cuối khóa. Chất liệu chính được chọn là kim sa, phần draping trang trí sẽ dùng tơ sống để tạo độ bồng bềnh.

"Thật sung sướng khi nghĩ đến việc khách hàng sẽ yêu mến thiết kế của cô!", K. không giấu được sự phấn khích. K. đang kết nốt những hạt nhựa giả ngọc trai lên phần eo của bộ cánh. Sau câu nói của K., nụ cười trên mặt Sao La vụt tắt.

***

Chúng tôi gọi một bàn món Nhật về nhà để mừng Sao La tốt nghiệp. Bọn tôi ăn uống cho tới lúc ngà ngà tối. Trên bàn còn lại một bông lan hồ điệp và hai lát chanh trang trí đĩa sashimi, chút nước xốt và đá đã làm loãng hết màu xanh vốn dĩ của matcha.

"Sao nào, cô đã tìm được chỗ đẹp chưa? Tôi nghĩ nên bắt đầu trong hẻm, khi nào tiến triển tốt thì dời tiệm ra đường lớn, đúng không?", K. vừa nói vừa quay sang tôi tìm sự đồng tình.

"Em không tính sẽ mở shop", Sao La đang nâng thìa miso lên định húp. Cô giữ yên tay ở vị trí đó, mắt cô cụp xuống.

"Vậy cô định nhận thiết kế lẻ tại nhà?".

"Thế cũng được, tuy tiền bạc không phải là vấn đề quá lớn với cô nhưng thuê được nhân viên tốt là quá khó. Người giỏi thì không chịu làm ăn chung còn thợ trung niên thì nhiều yêu sách lắm!".

"Em... em cũng không...".

K. buông đũa, trán cô bất giác nhăn lại.

"Không lẽ cô muốn làm thuê để tích lũy kinh nghiệm?".

"Chị nghĩ sao?", K. nhìn tôi lần nữa nhưng lần này có vẻ không đòi hỏi câu trả lời từ tôi.

"Thế cô đã xin được chỗ nào chưa?".

"Em… em sẽ không làm gì liên quan tới thiết kế thời trang nữa. Không may mặc gì nữa hết".

Một thoáng thở gấp. Tôi cảm giác có gì đó vừa bị đứt gãy tại đây. K. mở to mắt nhìn lên. Có vẻ cô đang cố ngăn một cơn thịnh nộ. Lưng K. gần như dính cứng vào ghế. Phía đối diện, Sao La rũ xuống như bông hoa mãn kỳ.

"Trước khi bắt đầu, cô có nghĩ mình sẽ làm việc này cho tới lúc già cóc kiết không? Tôi thấy cô rất nghiêm túc cơ mà?", K. tức tối.

"Em không bỏ cuộc, em đã đi tới cuối cùng rồi!".

"Làm gì có! Cô chưa mở tiệm. Cô chưa có một người khách nào đúng nghĩa cả. Tại sao, vì lý do gì phải ngừng lại?", K. gần như bật khỏi ghế, tôi phải giữ tay cô lại, ngăn K. bổ người về phía Sao La.

Một quãng im lặng chen vào. Sao La thở xì ra, cô bắt đầu nói, giọng nhừa nhựa.

"Thật sự em không yêu việc học thời trang hay bất kỳ điều gì. Em luôn không biết mình muốn gì. Cha cho em mọi thứ em cần, căn nhà này và chi phí sinh hoạt. Khi em muốn trở thành phóng viên, vì em nghĩ mình hợp với việc đi đây đó, cha em không phản đối chút nào. Ông chưa từng can thiệp vào quyết định nào của em cả. Từ lúc đặt tên con, ông đã trao cho em sự tự do tuyệt đối rồi. Tên em, các chị biết đó, là Sao La! Một loài động vật hiếm có, hầu như tự do ngoài tầm mắt của con người! Em không ngừng tìm, em muốn biết mình đam mê điều gì. Khốn khổ thay, tình yêu của em dành cho mọi thứ thật ngắn ngủi"...

Sao La có vẻ không chịu được nữa.

"Cuối cùng, nó vẫn trốn tránh em, mơ ước của em, điểm neo ấy...".

Quãng im lặng tiếp theo xuất hiện. Lần này cánh tay K. đã lỏng ra trong lòng bàn tay của tôi. Cô chìm vào ghế, như quả bóng xì hơi nhăn nheo sau khi chịu bơm căng cả người. Tôi hiểu K. Cô là người kiên trì đến mức cực đoan. K. duy trì sự hoàn hảo mà cô làm được cho tới lúc cô chết đi. Giống như món bông lan, từ khi thành công, cứ cách một tuần K. lại làm một lần.

"Hoàn hảo! Không nứt mặt, không xẹp, không lõm đáy. Chị có nghĩ cần thử một công thức khác nữa không?", K. xiên mẩu bánh bằng chiếc thìa kim loại rồi đưa nó cho tôi.

"Với cô thì không, nhỉ?".

"Đúng vậy, vì sao phải thay đổi khi mọi chuyện đều ổn. Tôi sẽ không nhảy việc chỉ vì bà sếp hịch hạc lâu lâu nổi hứng gọi tôi vào cuối tuần đâu!".

Đó là mẩu đối thoại nhỏ gần đây giữa chúng tôi. Sáu năm qua, cô vẫn chung thủy với hãng phim và bà sếp lỡ thời đẫy đà đó. Chúng tôi lưu zalo K. là Kyaiktiyo. Đấy là tên một khối đá nổi tiếng Myanmar. Từ khi khối đá được nhiều người biết đến, nó chưa suy suyển chút nào dù hòn đá vàng này nằm ở vị trí khá chênh vênh.

"Tôi đi kéo bớt cửa", K. đứng dậy, lẩn nhanh như chạch vào bóng tối. Khi trở ra, K. uể oải như nàng Lọ Lem vừa vật lộn với bí ngô và lũ chuột lít nhít sau đêm hội. Ba chúng tôi dọn dẹp sơ sài rồi lặng lẽ tắt đèn.

***

Đó là bữa tiệc cuối cùng của chúng tôi tại căn hộ của Sao La. Sau đó ít tháng, ba người tản ra ba nơi. Công ty chuyển ra quận xa, tôi buộc phải thuê trọ ở gần chỗ làm. K. qua hãng phim ở. Tôi rất nhớ căn bếp nhà Sao La nơi K. đứng đánh trứng. Cô lúc nào cũng nín thở lúc tách lòng trắng khỏi lòng đỏ. Sao La sẽ không đùa giỡn hay lớn tiếng lúc K. làm bánh. Lúc nào Sao La cũng khen bánh ngon, bao gồm chiếc đầu tiên xẹp lép còn ngai ngái mùi bột mì chưa chín.

Tôi đã gặp lại Sao La ở đâu đó. Trên tầng cao một chung cư đang xây dở dang, bên cái bàn đứng, ly Mojito trên tay cô sóng sánh, lóng lánh. Một bữa có việc đi ngang qua cửa phòng thí nghiệm vật lý ở trường đại học, hình như tôi thoáng thấy Sao La đang đứng cạnh bàn thao tác, xung quanh cô ngổn ngang các loại dụng cụ. Khi tôi quay lại tìm, kỳ lạ thay không ai biết người tôi muốn hỏi. Chuyện này xảy ra nhiều lần, ở nhiều nơi mà tôi bước qua, tới nỗi tôi tự hỏi người mình gặp là Sao La hay bản sao của cô đang ẩn trong muôn vàn các cá thể khác. Dĩ nhiên, tôi sẽ chẳng bao giờ giải được hoài nghi của mình.

Mỗi lần khó ngủ, đầu tôi lại trằn trọc câu hỏi sẽ có tôi và K. ở phiên bản khác đến bên Sao La phải không? Cô ấy phấn khích vì Leonardo Fibonacci, thao thao về giấc mơ và phương hướng của cuộc đời mình. Sao La vẫn khóc không lý do và buồn định kỳ mỗi lần nhận thấy phải mau chóng thoát khỏi thế giới mà cô vừa tiến vào. Tôi thường cầu nguyện cho Sao La tôi quen, cho mọi Sao La trên thế gian này sẽ luôn có bà tiên đỡ đầu bên cạnh giống như lúc còn nhỏ. Hoặc ít nhất, sẽ có nhiều cá thể khác đi bên cạnh Sao La ở nơi rừng rậm tối thẳm. Bởi nếu muốn rốt ráo tìm thấy mục tiêu, Sao La cần chinh phục vô vàn sự bất như ý nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.