10 phút, 2 người đi lên cầu, 84 người băng qua đường
Có lẽ, tất cả những người đi ô tô, xe máy trên đường 70 khi qua khu vực cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều thuộc địa bàn xã Tân Triều (H.Thanh Trì, Hà Nội) đều luôn phải lo lắng về việc có thể va chạm với người đi bộ tùy tiện băng qua đường.
Dù cầu đi bộ chỉ cách cổng bệnh viện vài mét nhưng nhiều người không ngại nguy hiểm để băng qua đường không đúng nơi quy định. Họ thường chờ nhau thành tốp từ 4 - 5 người để rồi len lỏi giữa các dòng phương tiện để qua đường.
Lý do để giải thích cho việc đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định có rất nhiều. Bà Nguyễn Thị G. (63 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết đi chăm chồng ở bệnh viện, bản thân bị đau đầu gối nên "cũng muốn đi lên cầu cho an toàn nhưng chân đau không leo được".
"Có tuổi rồi thì mọi người sẽ hiểu. Sang đường thế này rất nguy hiểm nhưng tôi không biết làm thế nào", bà G. phân bua.
Còn với chị P. (người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện), hàng ngày chị phải qua lại nơi này nhiều lần, nếu cứ leo lên leo xuống rất mệt nên băng qua đường cho tiện.
"Tôi biết là rất nguy hiểm nhưng thấy mọi người đi nên tôi cũng đi theo. Đông người đi cùng nhau nên các lái xe cũng… nhường để chúng tôi qua đường", chị P nói.
Theo ghi nhận ngẫu nhiên vào buổi chiều 23.4 tại khu vực cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, trong 10 phút có 84 người băng qua đường, chỉ 2 người đi lên cầu bộ hành. Đáng chú ý, trên cầu có nhiều người nhưng đa số người dân, người bệnh lên để hóng mát, nghỉ ngơi.
Đi bộ sai phần đường là phạm luật
Tình trạng "ế" người đi bộ cũng xảy ra với nhiều hầm đi bộ dọc đường Vành đai 3, hầm đi bộ ở nút giao Ngã Tư Sở (thuộc Q.Thanh Xuân, Hà Nội) dù các hầm này được dọn vệ sinh sạch sẽ, đầu tư đầy đủ hệ thống chiếu sáng, biển chỉ dẫn. Riêng tại hầm Ngã Tư Sở, người dân tìm đến đây tập thể dục có lẽ nhiều hơn là để đi bộ qua đường.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có 75 cầu và 39 hầm đi bộ.
"Khi đầu tư xây dựng cầu, hầm đi bộ đã khảo sát, dự báo lượng người đi. Tuy nhiên, việc người dân có sử dụng hay không lại tùy vào ý thức của họ. Nhiều khi trên đường rất đông phương tiện qua lại và có cầu đi bộ hoặc hầm chui bên cạnh, nhưng người dân vẫn băng qua đường. Hành động đi bộ qua đường ở nơi không có vạch kẻ vừa vi phạm pháp luật, vừa gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng", vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông công cộng, số liệu khảo sát được một nhóm sinh viên Trường đại học Việt - Nhật thực hiện cách đây hơn 2 năm thể hiện, có khoảng hơn 50% người dân đã lựa chọn đi cầu vượt bộ hành ở Hà Nội, thay vì băng cắt qua đường. Trong cuộc khảo sát, mọi người đưa ra muôn vàn lý do như: đang vội; leo lên leo xuống bị mệt… để lý giải việc băng qua đường.
"Băng qua đường ở nơi có cầu vượt bộ hành là hành vi vi phạm luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do không ai xử phạt nên người dân không sợ. Luật có quy định nhưng không được thực thi nên không hình thành ý thức cho người dân", TS Phan Lê Bình nhìn nhận.
TS Phan Lê Bình cho rằng, việc người dân băng cắt qua đường sẽ gây cản trở giao thông; nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
"Đã có vài án lệ xử lý người đi bộ khi gây tử vong cho người đi xe máy nhưng những trường hợp này cực kỳ hiếm. Trong khi một điều rất vô lý thường xảy ra, là người điều khiển xe cơ giới sẽ phải bồi thường cho người đi bộ không đúng nơi quy định", TS Phan Lê Bình chia sẻ thêm.
Điều 32 luật Giao thông đường bộ, quy định:
Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Coi chừng bị phạt tù
Trong khi đó, theo Nghị định 100/2019 về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đối với hành vi người đi bộ đi không đúng phần đường, sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng. Đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, thì bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Đáng chú ý, người đi bộ vi phạm các quy định giao thông đường bộ mà gây chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…, thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 260 bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bình luận (0)