Mới đây, Cục Thú ý (Bộ NN-PTNT) đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nghi án “thịt bò Kobe” được nhập vào nước ta bằng các chứng thư giả. Vụ việc có thể sẽ được làm sáng tỏ, nhưng những gì xảy ra khiến người ta thực sự ngỡ ngàng.
>> Đề nghị công an điều tra vụ buôn lậu “thịt bò Kobe”
>> Buôn lậu thịt bò Kobe vào Việt Nam
>> Chưa rõ nguồn gốc thịt bò Kobe tại Việt Nam
>> Bài học từ Kobe
Không ngỡ ngàng sao được khi “thịt bò Kobe” vốn là mặt hàng đắt đỏ, “nổi đình nổi đám” trên thị trường thời gian qua. Hơn một năm trước, dư luận từng xôn xao loại phở “thịt bò Kobe” được bán đến 750.000 đồng mỗi tô, một mức giá khủng khiếp so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Không chỉ tô phở, mà nhiều món làm từ “thịt bò Kobe” giá cũng cực “khủng” như suất bít tết xấp xỉ 2 triệu đồng, đĩa thịt tái gần triệu đồng… Loại thực phẩm xa xỉ này trở thành đặc sản dành cho những khách hàng giàu có và được nhiều nhà hàng quảng bá một cách đầy tự hào. Nói một cách khác, “thịt bò Kobe” đã “ngự trị” ở đỉnh cao của giới ẩm thực, nhưng khách hàng không hề biết rằng đó là loại thực phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định. Vì thế, nhiều khách hàng rất bất ngờ và bức xúc khi biết những nhà hàng sang trọng mà họ tin tưởng chi ra một khoản tiền lớn lại dám phô trương bán thứ thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định. Càng bức xúc hơn khi họ nghe cơ quan chức năng cũng chẳng hay biết gì về xuất xứ loại “thịt bò đắt giá” này. Các cơ quan quản lý về thị trường, thú y, y tế đã ở đâu trong suốt nhiều tháng qua khi “thịt bò Kobe” được bán công khai tại những nhà hàng sang trọng? Nếu nguồn gốc loại thực phẩm này không rõ ràng thì người tiêu dùng rất dễ bị lừa đảo, mua phải hàng giả, thậm chí là tiền mất tật mang.
Tìm hiểu sâu hơn, người ta phát hiện rằng một số đơn vị kinh doanh làm giả cả chứng thư nhà nước để nhập khẩu “thịt bò Kobe”. Trong đó, một chứng thư đề nghị cho phép Công ty TNHH Sơn Tùng nhập khẩu 11 tấn thịt bò Kobe. Con số 11 tấn thịt bò không nhỏ nên chẳng dễ dàng để nhập khẩu. Nghiêm trọng hơn, đây có thể chỉ là một trong nhiều đơn vị nhập khẩu. Những điều vừa nêu cho thấy việc nhập lậu “thịt bò Kobe” đã trở thành một hệ thống kinh doanh quy mô lớn, nối kết từ khâu nhập khẩu đến phân phối. Vì thế, một lượng lớn “thịt bò Kobe” không rõ xuất xứ có thể đã nhập khẩu trót lọt vào nước ta.
Đáng lo hơn, đây không phải là lần đầu tiên ngành thực phẩm xảy ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”. Cách đây chưa đầy hai tháng, dư luận đã xôn xao về vụ việc 108 tấn chân gà thối, bốc mùi nhưng vẫn được nhập khẩu. Mới hơn, vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải thốt lên rằng “ăn chi toàn đồ bẩn” khi đi khảo sát thực tế. Thực phẩm, nguyên phụ liệu thực phẩm, hóa chất kém chất lượng đang được bày bán tràn lan.
Rõ ràng, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, thực tế đang khiến chúng ta ngỡ ngàng về cách làm việc của một số cơ quan chức năng liên quan. Người tiêu dùng không thể yên tâm với cách làm việc như vậy, nhất là khi giai đoạn cuối năm nhu cầu sắm tết tăng cao, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm. Nếu không tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, rất có thể người dân sẽ lại phải ngỡ ngàng “đón nhận” thêm nhiều vụ việc “thịt bò Kobe” khác…
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)