Sau thời gian dài miệt mài tìm tòi nghệ thuật string art (tranh đinh chỉ), Nguyễn Đức Tín (32 tuổi, trú tại đường Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã sáng tác nhiều bức tranh được giới mỹ thuật ghi nhận.
Quy trình sáng tác tranh đinh chỉ cũng lắm gian nan, có thể nói là đổ cả máu và nước mắt, nhưng Tín vẫn kiên trì theo đuổi.
Tín kế, về quy trình sáng tác, đầu tiên phải chuẩn bị khung gỗ đủ độ dày, sau đó dùng bút chì để phác họa, lên mẫu bức tranh. Tiếp đó là công đoạn vất vả nhất: đóng đinh lên tấm gỗ.
Tùy theo kích thước mà có khi Tín phải đóng xuống hàng ngàn đến cả vạn chiếc đinh với độ dày mỏng khác nhau nhằm tạo độ sáng tối cho bức tranh.
Xong công đoạn này, Tín sẽ phun sơn lên khung gỗ và "đi" từng sợi chỉ. Nền đen thì sẽ dùng chỉ trắng, còn nền trắng thì sẽ dùng chỉ đen để tạo độ tương phản.
Để có những bức tranh đinh chỉ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải kiên trì, đam mê vì rất tốn thời gian và công sức
HOÀNG SƠN
"Đan đến khi nào ưng ý thì thôi. Nhìn chưa đã mắt có khi đan chỉ đã 10 ngày cũng tháo ra đan lại…", Tín kể.
Với việc sáng tác tranh bằng đinh, chỉ và dụng cụ chủ yếu là búa sắt nên đã không ít lần Tín phải chịu đau đớn vì... trật búa. Nếu không có sự kiên trì, đam mê cháy bỏng với tranh đinh chỉ, Tín sẽ không thể chịu nổi những lần búa đinh đóng nhầm vào ngón tay, tóe máu.
Kể về cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật mới này, Nguyễn Đức Tín cho biết, năm 2018 khi vào Đà Nẵng làm việc trong ngành khách sạn, Tín lên mạng tìm hiểu và ngay lập tức say mê trước những bức tranh đinh chỉ do một nghệ nhân người Pháp sáng tác. Anh làm thử và tất nhiên là vật liệu gỗ, đinh, chỉ… đã phải bỏ đi rất nhiều.
Quá trình hình thành một bức tranh đinh chỉ tốn nhiều ngày vì phải trải qua nhiều công đoạn
HOÀNG SƠN
Quá trình sáng tác, vì sợ làm phiền người khác, mỗi sáng, Tín phải ra bờ biển đóng đinh, sơn lên gỗ, chiều tối lại về phòng căng từng sợi chỉ lên khung. Vẽ tranh xong, Tín lại chạy xe máy chở tranh đi bán dạo khắp Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam...
Đề tài tranh đinh chỉ của Nguyễn Đức Tín khá phong phú, trong đó tranh về phụ nữ chiếm số lượng lớn
HOÀNG SƠN
"Những hôm bán tranh không được, về đóng đinh lên khung thì trật búa, tay tứa máu tự dưng ứa nước mắt. Rồi một hôm, có một khách sạn thấy tranh của tôi đã quyết định mua mấy tấm. Đó là động lực và cũng là nguồn tiền giúp tôi mua chất liệu tiếp tục sáng tác", Tín rưng rưng nhớ lại.
Bình luận (0)