MÁU VÀ NƯỚC MẮT
Ngày ngày, căn nhà nhỏ cuối đường Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đều đặn vang lên tiếng búa đóng đinh khiến nhiều người lầm tưởng đó là xưởng mộc của một người thợ nào đó. Thế nhưng, đây chính là nơi sáng tác tranh đinh chỉ của chàng trai 32 tuổi Nguyễn Đức Tín. Lúc tôi đến, Tín vẫn đang miệt mài đóng từng chiếc đinh trên tấm gỗ đã được sơn đen, chuẩn bị để "vẽ" một bức tranh sơn thủy.
"Làm tranh này phiền người khác ghê lắm, bởi vậy tôi phải chuyển ra đây để tiếng ồn không ảnh hưởng đến ai. Theo đuổi đam mê sáng tác tranh đinh chỉ, tôi cũng quen sống một mình rồi", Tín dừng búa, kể.
Thời còn theo học chuyên ngành Việt Nam học ở Huế, Tín thường xuyên theo những người bạn học mỹ thuật rong ruổi trên các tuyến phố đi bộ để vẽ tranh, bán đồ lưu niệm… kiếm tiền. Vốn đam mê mỹ thuật từ nhỏ lại được sống trong môi trường hội họa đường phố, Tín nung nấu ý định theo con đường nghệ thuật. Năm 2018, khi vào Đà Nẵng làm việc trong ngành khách sạn, anh lên mạng tìm hiểu và ngay lập tức say mê trước những bức tranh đinh chỉ do một nghệ nhân người Pháp sáng tác. Anh làm thử và tất nhiên là gỗ, đinh, chỉ… đã phải bỏ đi rất nhiều.
"Tôi kiên trì làm tranh đinh chỉ nên có bao nhiêu tiền công từ việc đi làm đều dốc hết vào đó. Cuối năm 2019, dịch Covid-19 ập đến, tôi thuê phòng trọ ở một mình để tiện cho việc sáng tác tranh, nhưng búa, đinh ồn ào quá nên bị nhiều người phàn nàn. Để không ảnh hưởng đến ai, sáng tôi ra bờ biển đóng đinh, sơn lên gỗ, chiều tối lại về phòng căng từng sợi chỉ lên khung. Có những ngày tôi chạy xe máy chở tranh đi bán dạo, chẳng ai ngó ngàng. Những hôm bán tranh không được, về đóng đinh lên khung thì trật búa, tay tứa máu, tự dưng ứa nước mắt. Rồi một hôm, có một khách sạn thấy tranh của tôi đã quyết định mua mấy tấm. Đó là động lực và cũng là nguồn tiền giúp tôi mua chất liệu tiếp tục sáng tác", Tín rưng rưng nhớ lại.
Về quy trình sáng tác một bức tranh, Tín cho biết, đầu tiên phải chuẩn bị khung gỗ đủ độ dày, sau đó dùng bút chì phác họa, lên mẫu bức tranh định thực hiện. Tiếp đó là công đoạn vất vả nhất: đóng đinh lên tấm gỗ. Tùy theo kích thước mỗi bức tranh mà có khi Tín phải đóng xuống hàng ngàn đến cả vạn chiếc đinh với độ dày mỏng khác nhau nhằm tạo độ sáng tối cho bức tranh.
"Xong công đoạn này, tôi sẽ phun sơn lên khung gỗ và đi từng sợi chỉ. Nền đen thì sẽ dùng chỉ trắng, còn nền trắng thì dùng chỉ đen để tạo độ tương phản. Đan đến khi nào ưng ý thì thôi. Nhìn chưa đã mắt thì có khi đan chỉ đã 10 ngày cũng tháo ra đan lại…", Tín nói.
"TỰ LÀM ĐỐI THỦ CỦA CHÍNH MÌNH"
Tín không phải là "dân" mỹ thuật, nên khi đứng trước căn phòng treo đầy tranh của anh, tôi đã không khỏi ngạc nhiên bởi tranh được vẽ bằng cọ đã khó, "vẽ" bằng đinh chỉ càng khó hơn. Những bức chân dung nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, những bức tranh về đức Phật, về phụ nữ, về chủ đề tình mẫu tử, thậm chí cả tranh trừu tượng, được Tín khắc họa một cách sâu sắc, sinh động. Đứng từ xa, nhiều người sẽ nghĩ đó là những bức tranh được vẽ bởi 2 màu đen trắng, nhưng khi lại gần, thấy đinh và chỉ lộ ra uyển chuyển trong từng đường nét.
"Tranh đinh chỉ là nghệ thuật thị giác, có hấp dẫn người xem hay không là tùy thuộc vào khả năng của người làm tranh. Bức tranh đẹp được quyết định từ mỗi chiếc đinh không tán (dài
2 - 3 cm), là sợi chỉ không xù bông (được nhập từ Đức). Ngay từ khi nện búa xuống phải canh sao cho mỗi chiếc đinh đặt đúng vị trí của nó để tạo độ dày, thưa. Khi "đi" chỉ cũng cần làm sao cho lực tay vừa đủ, căng quá thì đứt mà nhẹ quá thì dễ bung", Tín chia sẻ.
Anh đã tự mày mò và đã... 5 lần bỏ cuộc, nhưng rồi lại tự đứng dậy. Giờ thì không khó khăn nào trong nghề làm tranh đinh chỉ có thể lay chuyển anh. Hồi đầu, tranh chưa được nhiều người biết, chưa mua, anh không có nguồn thu nhập để sống nhưng vẫn trụ được. Bây giờ, khi tranh của anh đã bán ra thị trường trong nước và sang cả Úc, Singapore, Canada…, anh càng dốc tâm trí để tìm hướng phát triển cho riêng mình.
Tín cho biết đã thử làm tranh đinh chỉ số hóa với công thức được hướng dẫn trên mạng. Thế nhưng khi làm xong, anh cảm thấy bức tranh "vô hồn" nên không theo nữa. Từ chỗ làm tranh đại trà để bán mưu sinh, làm tranh để thử nghiệm, Tín tự đặt cho mình mục tiêu cao hơn để nâng cao trình độ sáng tác: làm tranh với khổ lớn hơn, khó hơn, tính thẩm mỹ cao hơn…
Theo Tín, trên cả nước, số người sáng tác tranh đinh chỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay, với các "trường phái" khác nhau. Riêng với Tín, anh thần tượng một số nghệ sĩ ở Nga, Pháp và Trung Quốc vì họ cho anh thấy tranh đinh chỉ chạm đến ngưỡng của nghệ thuật.
"Chọn bộ môn nghệ thuật mới, hiếm người theo, tôi tự làm đối thủ của chính mình và phải nỗ lực mỗi ngày. Những lần bỏ cuộc, tôi được những người mê tranh đinh chỉ động viên làm lại nên mới có được thành quả như hôm nay. Mừng nhất là vào tháng 8.2023, các anh chị ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam sau khi xem tranh Cây nguồn sống đã chọn bức này cùng khoảng 10 tác phẩm mỹ thuật khác tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ 28 diễn ra tại Đắk Lắk. Sự ghi nhận này là hành trang vững chắc để tôi tự tin bước tiếp", Tín trải lòng. (còn tiếp)
Bình luận (0)