Những ngón nghề độc, lạ: Tay không 'dệt' chiếu âmber

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
27/02/2024 06:55 GMT+7

Bằng óc sáng tạo tuyệt vời cộng với đôi tay khéo léo, những nghệ nhân ở miền Trung đã cho ra đời các sản phẩm độc đáo, đậm tính nghệ thuật. Thanh Niên xin giới thiệu những người sở hữu ngón nghề độc, lạ có thể tạo ra những sản phẩm đặc biệt, thậm chí có thể gọi là lạ lùng.

Không cần khung cũng chẳng cần con thoi, những nghệ nhân người Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) bằng tay không vẫn có thể "dệt" nên tấm chiếu sính lễ (âmber) với hoa văn, họa tiết đẹp mắt.

CẮT RỪNG TÌM LÁ HIẾM

Nhắc đến nghề làm chiếu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cảnh một người đưa thoi luồn sợi, người kia kéo cửi. Thế nhưng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới, người ta không dệt theo cách này. Thay vào đó, họ đan từng sợi cho đến khi hoàn thành chiếc chiếu. Loại chiếu này được người bản địa gọi là âmber, đan từ một loại lá đặc biệt gọi a'anh chác và cũng chỉ xuất hiện vào dịp đặc biệt: cưới hỏi. Tấm chiếu được người con gái Tà Ôi mang về nhà chồng trở thành sính lễ thiêng liêng, biểu hiện cho tình yêu cũng như sự tôn trọng đối với nhà trai.

Những ngón nghề độc, lạ: Tay không 'dệt' chiếu âmber- Ảnh 1.

Tấm chiếu âmber được nghệ nhân người Tà Ôi “dệt” nên như một tác phẩm nghệ thuật

Hoàng Sơn

Nếu chỉ để xem trình diễn nghề đan chiếu, khách sẽ được giới thiệu đến một số cơ sở lưu trú ở xã A Roàng. Nhưng để tìm hiểu nghề truyền thống này bén rễ và có sức sống ra sao trong cộng đồng, phải kể đến ngôi làng A Sáp (xã Hồng Thượng) - nơi quần cư của đồng bào Tà Ôi sau cuộc di dân ở xã Hồng Thái từ nhiều năm trước.

Theo những bậc cao niên ở làng, từ xưa, hễ là người con gái Tà Ôi thì ai cũng biết và tự đan những tấm chiếu âmber thật đẹp mang về nhà chồng. Đan chiếu cũng trở thành một nghề có thể kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Nhưng rồi lá a'anh chác trở nên khó kiếm, chiếu âmber chỉ được đan theo những đơn hàng để người ta tổ chức đám cưới.

Những ngón nghề độc, lạ: Tay không 'dệt' chiếu âmber- Ảnh 2.

Nghệ nhân Căn Hoan tay không "dệt" nên những tấm chiếu đa sắc

"Hồi còn ở xã Hồng Thái, chỉ cuốc bộ hơn giờ đồng hồ vào rừng là đã thấy lá a'anh chác. Nhưng nay, có khi đi cả ngày đường vẫn không thấy đâu. Nhiều hôm, con trai mẹ (tôi - PV) vào rừng nhưng phải về tay không", cụ bà Căn Hoan (80 tuổi) kể.

A'anh chác chính là cây dứa dại mọc trong rừng sâu, ở những khu vực đầm lầy hoặc sỏi đá. Lá nhiều gai, cứa phải gây đau da thịt. Nhưng đó không phải là điều đáng ngại đối với những chàng trai Tà Ôi có đôi chân rắn rỏi, đôi tay săn chắc. "Mà lo nhất là lỡ nhận đan chiếu cưới cho người ta mà không có lá a'anh chác. Nhiều nhà phải đi tìm lá cả chục ngày ròng mới có. Vì thế phải đi tìm lá vào mùa hè để tích trữ, đan vào mùa đông…", cụ Căn Hoan tiếp lời.

NHỮNG NGHỆ SĨ NÚI RỪNG

Theo mẹ học đan chiếu âmber từ tuổi 16, cụ bà Căn Hoan đã sở đắc nhiều kỹ năng đỉnh cao của nghề. Nhưng cũng giống như những bộ môn nghệ thuật đòi hỏi phải có năng khiếu, cụ bà tự nhận không thể nào sánh kịp với tay nghề của mẹ mình. Với người Tà Ôi, chỉ cần nhìn vào từng sợi a'anh chác, người ta sẽ đoán biết ngay tay nghề của người đó.

Những ngón nghề độc, lạ: Tay không 'dệt' chiếu âmber- Ảnh 3.

Làm chiếu sính lễ âmber là đỉnh cao của kỹ thuật đan lát của người Tà Ôi

Ngồi bên cạnh góp chuyện, chị Viên Thị Thanh Loan (44 tuổi) cho biết chiếu âmber không tấm nào giống tấm nào. Tùy vào sự khéo léo, tư duy thẩm mỹ của mỗi nghệ nhân mà tấm chiếu được phối màu, chèn họa tiết khác nhau.

Thật vậy, khi cụ bà Căn Hoan căng tấm chiếu âmber đang đan cho tôi xem, thoạt trông, chiếc chiếu chỉ là sự hợp lại của những ô vuông đầy sắc màu. Nhưng nhìn kỹ mới thấy, những ô vuông nhỏ lại tiếp tục hợp thành ô vuông lớn với khung hình được nhấn đậm nét. Chiếc chiếu trông như tấm khăn thổ cẩm lớn mà người đan là những nghệ sĩ đã tinh tế đặt từng nút đan ngay từ đầu.

"Có khi nào đang đan chiếu thì bị lộn màu, phải đan lại không?", tôi hỏi. Cụ Căn Ton (80 tuổi) cười: "Hồi mới tập đan, cứ tháo ra đan lại như cơm bữa. Giờ thì đan 3 - 4 ngày xong 1 chiếc chiếu nhưng không lộn sợi nào".

Theo lời cụ Ton, sợi chiếu âmber được nhuộm 4 màu: xanh lá cây, đỏ, tím và màu trắng ngà nguyên bản. Chỉ tay vào bó sợi đã được nhuộm màu đặt giữa nhà, cụ Ton bảo để có được chúng, trước tiên người đan chiếu phải tước nhỏ lá a'anh chác ra. Công đoạn này khá quan trọng vì sợi đều thì sẽ cho chiếc chiếu đẹp. Sợi sau đó được đem phơi khô vừa đủ dai. Công đoạn tiếp theo là nhuộm màu, đòi hỏi nghệ nhân phải am hiểu đặc tính của lá để "lên màu" sao cho tươi nhất.

"Để có màu đỏ, mẹ nhờ con trai đào củ nâu về, để có màu xanh lá thì hái lá a'rưh đem giã, trộn với vỏ ốc nấu… Sợi phải ngâm trong chum cả tháng trời mới cho màu đẹp được", cụ bà Hồ Thị Chiến (80 tuổi, cùng ở làng A Sáp) góp chuyện.

Để hoàn tất tấm chiếu, thường nghệ nhân sẽ dành khoảng 4 - 7 ngày đan liên tục. Nhưng đẳng cấp nghề không phải ở chỗ đan nhanh hay chậm mà chính là cách tạo tác hoa văn, họa tiết như cái mẹt, chân chó, hàng rào… hoặc sáng tạo thêm những hoa văn mới mà vẫn phù hợp với văn hóa truyền thống.

"Mỗi lần nhận chiếu âmber, được khách khen đẹp, mẹ vui lắm! Vui hơn nữa là chiếc chiếu của mình cũng góp phần vun đắp cho hạnh phúc mấy đứa trẻ…", cụ Chiến chia sẻ. (còn tiếp)

Di thực cây a'anh chác

Giá mỗi tấm chiếu âmber tùy theo yêu cầu của người đặt, tùy theo kích cỡ (rộng từ 1,2 - 1,6 m, dài 2 m) mà dao động từ khoảng 700.000 -

2 triệu đồng. Chiếu là loại sính lễ không thể thiếu của người Tà Ôi trong mỗi dịp cưới hỏi, nhà khó thì 5 - 7 chiếc, nhà có điều kiện thì 10 - 20 chiếc nên những nghệ nhân không lo hết việc.

Ngoài đan chiếu, lá a'anh chác còn được dùng đan gối với ruột bằng lá chuối khô hoặc một số sản phẩm lưu niệm theo đặt hàng. Để chủ động về sợi đan chiếu, một số nghệ nhân cho biết đang tìm cách di thực cây a'anh chác từ rừng sâu về trồng gần khu dân cư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.