Giữ hồn đại ngàn: “Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
28/10/2022 07:07 GMT+7

Trước nguy cơ mai một bản sắc, những người con các dân tộc thiểu số như Pa Kôh, Tà Ôi, Cơ Tu..., bằng những việc làm giản dị đã âm thầm gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của mình. Đại ngàn Trường Sơn may mắn có những người như họ.

Cùng lúc sở hữu nhiều biệt tài để có thể chế tác loại nhạc cụ khó nhất là khèn bè, lại có thể dùng đôi tai để thẩm âm, chỉnh âm cồng chiêng, thanh la…, Nghệ nhân Nhân dân Quỳnh Hoàng được tôn vinh là “báu vật sống” của đại ngàn A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Nghệ nhân Nhân dân Quỳnh Hoàng, người duy nhất tại H.A Lưới, nắm bí quyết chế tác và sửa chữa khèn bè

HOÀNG SƠN

Yàng cho đôi tay khéo...

Ai hỏi tuổi, già Quỳnh Hoàng (tên thường gọi là Cu Xân, trú tại thôn Diên Mai, xã A Ngo) chỉ móm mém cười, bảo không nhớ lắm, “chắc ngoài 100”. Ấy thế mà hỏi về cây khèn bè, già lại say sưa kể cách chế tác không sót một chi tiết. Bởi khèn bè là thứ được già ví von như cơm ăn, nước uống, không thể thiếu hằng ngày. Nếu quãng thanh xuân tươi đẹp, tiếng khèn bè của chàng trai Cu Xân khiến bao cô gái mê mệt thì khi vào độ tuổi trung niên, kỹ năng làm khèn bè đưa tên tuổi Cu Xân vang khắp núi rừng Trường Sơn. Mấy mươi năm qua, căn nhà sàn bên đồi của già cũng là địa chỉ tìm về của rất nhiều người cần sửa chữa khèn bè.

Trăn trở tìm “truyền nhân”

Điều khiến bà Ta Dư Tư luôn trăn trở là làm sao có lớp kế cận để cho già Quỳnh Hoàng truyền lại “bí kíp” chế tác khèn bè. Ở H.A Lưới, người được coi là “truyền nhân” của già có ông Pi Kêr Dơ (nhân viên Phòng VH-TT huyện), nhưng hiện ông Pi Kêr Dơ đã ngưng chế tác vì lý do sức khỏe. Trong khi đó, con trai thứ 3 của già là Hồ Văn Huỳnh (44 tuổi) dù biết cách chế tác khèn bè nhưng lại không đủ niềm đam mê để theo đuổi.

Không riêng gì cộng đồng người Tà Ôi, mà với nhiều dân tộc thiểu số khác ở Trường Sơn như Pa Kôh, Cơ Tu, Vân Kiều…, khèn bè luôn là nhạc cụ khó thổi, khó làm và cũng khó sửa nhất. Để làm được khèn bè, đòi hỏi nghệ nhân ngoài đôi tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế để phân biệt chính xác từng âm thoát ra ở mỗi ống nứa. Rồi đến khi hòa âm, nghệ nhân phải ghép từng ống nứa sao cho có được thứ âm thanh trầm bổng, lúc réo rắt như suối chảy lúc vút cao như chim hót…

Già đưa tôi xem cây khèn bè do ông chế tác cách đây 5 năm và giờ chính già là người sửa chữa. Cây khèn có 14 ống nứa (nhỏ hơn ngón tay út) được ghép thành 2 hàng với 6 bậc từ cao đến thấp. Sau một hồi thổi thử, già khéo léo rút ra 2 ống nứa, 1 ngắn 1 dài. Đoạn, già nắn lại mẩu đồng gắn trên ống nứa rồi thổi lần nữa, tiếng “phè phè” vang lên. “Lưỡi gà” bằng đồng này hỏng rồi. Phải rèn lại”, già Quỳnh Hoàng “chẩn bệnh”. Công đoạn rèn “lưỡi gà” luôn khó nhất vì đây là bộ phận tạo âm thanh, mà độ dày mỏng của “lưỡi gà” không phải ai cũng biết.

Sau khi gắn “lưỡi gà” vào lỗ tạo âm, công đoạn đục từng lỗ khí, ghép từng ống nứa vào bầu khèn càng đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân. Bởi đục lỗ lớn thì khiến người thổi hụt hơi mà lỗ nhỏ thì âm thanh không như ý muốn. Để có được kỹ năng như ngày hôm nay, già Quỳnh Hoàng đã trải qua không biết bao nhiêu lần thao tác lỗi. “Nhưng đừng nản, như khi thấy ngọn núi cao, là được…”, già cười.

... lại thêm đôi tai quý

Chị Hồ Thị Hiền (39 tuổi, con dâu của già Quỳnh Hoàng) kể vì đã 103 tuổi nên thời gian gần đây bố chồng không thể đứng dậy được nữa. Mọi sinh hoạt của già gắn liền với căn nhà sàn nhỏ cùng bếp lửa. “Biết bố đam mê âm nhạc nên cả nhà đã thiết kế cho bố nơi nghỉ ngơi cùng chỗ để vật liệu sửa chữa khèn, đàn, cồng chiêng… chỉ trong một cái với tay. Bố quanh quẩn trong nhà vậy đó, chứ lạy Yàng (trời) mắt bố còn tinh, tai còn tốt nên nhiều người tìm đến gặp đều rất mừng rỡ vì được bố giúp”, chị Hiền nói.

Không chỉ người dân các xã vùng sâu ở A Lưới tìm đến nhà để được già Quỳnh Hoàng sửa chữa các loại nhạc cụ, mà nhiều người ở huyện vùng cao thuộc các tỉnh lân cận như Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam)… cũng tìm về đặt làm khèn bè. “Nay đã già, bố đứng không được nhưng người ta đến nhờ bố cũng nhận chỉnh âm. Bố bảo âm nhạc khiến người ta yêu đời nên bố phải cố giúp. Thấy thương bố lắm!”, chị Hiền kể thêm.

Bà Ta Dư Tư, Phó trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cho biết nhắc đến khèn bè là nhắc đến già làng Quỳnh Hoàng. Nói như bà Tư, “khó như khèn bè mà già còn làm được” thì những nhạc cụ khác hay để chỉnh âm các loại nhạc cụ với già “chỉ trong 1 nốt nhạc”. Thời còn trẻ, già Quỳnh Hoàng đã biết chế tác sáo tirel, tù và, adol (kèn làm bằng sừng), abel (đàn nhị), tămphe’r (đàn ta lư), acưr (trống)… Ngoài ra, già Quỳnh Hoàng còn được biết đến là người truyền cảm hứng văn nghệ cho thế hệ trẻ. Khoảng 30 năm trước, dù tuổi lúc này đã cao nhưng hễ có liên hoan nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa là già lại thức đêm với thanh niên để dàn dựng các tiết mục cho họ đi thi và mang về giải cao. Năm 2019, già Quỳnh Hoàng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

“Từ nhiều năm trước, già Quỳnh Hoàng đã là một nghệ nhân xuất sắc trong phát huy các giá trị trong dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống. Già ra sức bảo tồn các loại nhạc cụ cổ, nhất là khèn bè và các loại sáo… Yàng cho già đôi tay khéo lại cho đôi tai thẩm âm tuyệt vời là để già gìn giữ những vốn quý không riêng gì âm nhạc người Tà Ôi mà cho cả cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đại ngàn Trường Sơn. Chúng tôi rất tự hào về điều đó…”, bà Tư chia sẻ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.