Những hoạt động "Mùa hè xanh" như thế, trước hết là nhu cầu tự thân của học sinh Mỹ muốn tìm hiểu và yêu thương đất nước, con người Việt Nam, muốn hòa đồng, giao lưu hữu nghị với học sinh Quảng Ngãi. Đó có thể coi là một hình thức "ngoại giao nhân ái" dành cho những người trẻ, đặc biệt là những người trẻ Mỹ.
Giáo dục ở các quốc gia phát triển luôn nhấn mạnh đến giáo dục tinh thần yêu lao động cho học sinh, giáo dục những kỹ năng lao động, chủ yếu là lao động chân tay, cho học sinh nhỏ tuổi. Sang Việt Nam, tới Quảng Ngãi giúp dân xây dựng nhà, vừa là hoạt động mang tính sinh hoạt cộng đồng, mang yếu tố du lịch, lại vừa là cơ hội giao lưu Việt - Mỹ ở cấp độ người trẻ. Đó cũng là một hình thức "thực tập ngoại giao" mà người trẻ rất thích thú, nhất là các bạn học sinh.
Nếu trong tương lai gần Quảng Ngãi vận động được sự tài trợ của xã hội, cả xã hội Việt Nam và xã hội Mỹ, chủ yếu là tài trợ vé máy bay cho nhóm học sinh Quảng Ngãi sang Mỹ tham gia lao động, giao lưu hữu nghị trong mùa hè, thì chắc chắn nhiều điều bổ ích và thú vị sẽ khiến học sinh hai nước vui thích và hưởng ứng. Đó cũng là cơ hội để chương trình "Mùa hè xanh" của Việt Nam được "xuất cảnh" sang nước ngoài, giúp tình hữu nghị giữa những người trẻ hai nước phát triển, giúp rèn luyện tinh thần và kỹ năng lao động, và là cơ hội tốt để học sinh trực tiếp tiếp xúc và tìm hiểu về những điều mới mẻ, thú vị của giáo dục nước ngoài, đặc biệt là định hướng giáo dục lao động cho học sinh phổ thông.
Trong khi giáo dục của ta vẫn còn nặng về dạy chữ, dạy kiến thức, "dạy thêm học thêm" và coi nhẹ giáo dục lao động, đặc biệt là lao động chân tay, thì những giao lưu "ngoại giao nhân ái cho người trẻ" như đã diễn ra tại Quảng Ngãi vào mỗi mùa hè có thể khiến chúng ta suy nghĩ lại về định hướng giáo dục lao động cho học sinh Việt Nam từ nhỏ, chứ không phải đợi đến khi các em trở thành sinh viên với các hoạt động tình nguyện về nông thôn, đến đảo xa hay sang các vùng quê nước bạn Lào, Campuchia… như đã từng tổ chức thành công.
Từ những hoạt động của những nhóm nhỏ học sinh Mỹ tại Quảng Ngãi vào mùa hè, nếu chúng ta lan tỏa được ra nhiều địa phương khác thì không chỉ tình hữu nghị mà cả những mong muốn học hỏi, những gợi ý để thay đổi câu chuyện học tập trong nhà trường theo hướng đào tạo con người toàn diện biết yêu lao động và biết chủ động trong cuộc sống, thì tốt biết bao. Đó cũng chính là nền móng bền vững cho tình hữu nghị các dân tộc, các quốc gia, như Việt Nam - Mỹ từ cấp độ những người trẻ, những học sinh phổ thông.
Bình luận (0)