Ngoại hạng Anh: M.U mang dáng dấp 'đội yếu'

09/03/2024 12:23 GMT+7

Nhiều người cho rằng nếu đối phương liên tục dứt điểm nhưng không ghi bàn thì cũng yên tâm phần nào: bạn đang phòng thủ tốt và không cho đối phương có nhiều cơ hội ghi bàn rõ rệt. Một phản biện khác lấy HLV nổi tiếng Jose Mourinho làm lá chắn.

Ở thời đỉnh cao của thành công, ông Mourinho thường nói: giữ bóng nhiều thì cũng sẽ mất bóng nhiều - đấy mới là chỗ tai hại trong bóng đá đỉnh cao!

Ngoại hạng Anh: M.U mang dáng dấp 'đội yếu'- Ảnh 1.

M.U (phải) đang thiếu những cầu thủ có thể giữ bóng lâu

REUTERS

Kỳ thực, đấy là triết lý riêng của Mourinho và ông chủ trương không cần giữ bóng nhiều - khác hẳn việc không thể giữ bóng. Ngày xưa (cách đây gần 20 năm), các đội do Mourinho huấn luyện luôn giữ bóng ít, và họ tập trung thời gian cũng như tâm trí vào việc ổn định thế thủ. Ông luôn thành công bởi lý lẽ đơn giản: trong bóng đá, phòng thủ luôn dễ hơn tấn công rất nhiều. Đấy là nền tảng giúp HLV Mourinho vô địch từ Europa League đến Champions League, với nhiều đội bóng khác nhau; đăng quang ở tất cả các giải VĐQG ông từng cầm quân.

Khác biệt quá rõ: HLV Erik Ten Hag gắn liền với triết lý tấn công, giữ bóng nhiều, triển khai bóng từ hàng thủ. Vậy khi M.U chỉ đứng ở khoảng giữa giải Ngoại hạng Anh về tỷ lệ giữ bóng trung bình thì đấy là chi tiết nói lên thất bại trong cách chơi, hơn là đặc điểm của lối chơi. Ai mà tin được, rằng ông Ten Hag không muốn giữ bóng nhiều.

Ở trận đấu gần đây nhất, M.U thua Man.City 1-3, với 27 lần đối diện tình huống dứt điểm (hãy so với 3 lần tung cú dứt điểm của chính M.U), và tỷ lệ giữ bóng 27%. Chỉ cần nói gọn: trước thời ông Ten Hag, chưa bao giữ M.U giữ bóng ít như thế, từ khi giải Ngoại hạng Anh ra đời. Vâng, Man.City quá mạnh. Nhưng M.U giữ bóng ít hơn phân nửa số đội ở giải Ngoại hạng Anh mùa này theo số liệu trung bình, như đã nêu. Trên sân Burnley (đội đang đứng áp chót, coi như chắc chắn rớt hạng mùa này) mà thầy trò Ten Hag cũng chỉ giữ bóng 38%, thì còn gì để tranh cãi?

Thời gian giữ bóng, trong nhiều trường hợp, liên quan chặt chẽ đến số lần tấn công/bị tấn công và số lần sút bóng/bị sút. Bình quân mỗi trận ở giải Ngoại hạng Anh mùa này, M.U phải đối diện với 16 pha bắn phá cầu môn. Sau 27 vòng, số lần bị bắn phá cầu môn của M.U (447) chỉ thấp hơn đúng một đội bóng khác - đấy hẳn nhiên là đội yếu nhất giải Sheffield Wednesday (469). Đây có lẽ là số liệu thống kê đáng kinh ngạc nhất, nói lên hình ảnh "đội yếu" của M.U. Có đến 14 trận - tức hơn phân nửa số trận đã đấu, M.U bị đối phương sút bóng trên 15 lần. Số liệu này nơi Tottenham là 7 trận; Aston VillaLiverpool là 4 trận; Man.City 2 trận; riêng Arsenal thì… chưa bao giờ bị sút hơn 15 lần.

Trong trận derby Manchester vừa qua, Erling Haaland (Man.City) sút vọt xà trong pha dứt điểm mà nhiều người cho rằng sút ra ngoài mới khó. Phil Foden thì tỏa sáng với 2 bàn thắng, nhưng anh còn bỏ lỡ ít nhất hai cơ hội tốt. Một mình Foden có đến 9 pha dứt điểm - nhiều gấp 3 lần tổng số cơ hội của toàn đội M.U! Thế nên, lập luận cho rằng M.U "không cho đối phương có nhiều cơ hội rõ rệt" là chông chênh. Họ quá may mắn! M.U cũng bị bắn phá nhiều như thế trong mọi trận đấu ở vòng bảng Champions League, thậm chí bị đội hạng tư Newport sút cầu môn đến 17 lần ở Cúp FA.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.