Ngoại ngữ không bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để dạy, học thực chất?

Trần Thanh Vũ
Nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành giáo dục ngôn ngữ, Khoa Sư phạm, ĐH Durham (Vương quốc Anh)
02/12/2023 15:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã ra quyết định mang tính lịch sử khi 'chốt' phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn (trong đó có ngoại ngữ). Đồng nghĩa, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc sau hàng chục năm áp dụng, chỉ trừ năm 2014.

Quyết định trên lập tức gây xôn xao dư luận với nhiều quan điểm ủng hộ lẫn phản đối. Bất đồng ý kiến xảy ra bởi hai nguyên nhân chính. Một là kiểm tra đánh giá luôn đóng vai trò quyết định trong việc đo lường hiệu quả của chương trình đào tạo; hai là chất lượng dạy và học ngoại ngữ (hay cụ thể là tiếng Anh) ở Việt Nam luôn là vấn đề nhức nhối.

Những vấn đề nhức nhối dạy và học ngoại ngữ

Vị thế của ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đã tăng cao đáng kể chỉ trong vài năm, nhất là từ khi Bộ GD-ĐT cho phép quy đổi 4.0 IELTS hoặc tương đương sang điểm 10 tốt nghiệp THPT. Dư luận cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại về hiện tượng "nấm mọc sau mưa" của các trung tâm luyện thi IELTS, hay việc điểm IELTS đang trở thành một trong những tiêu chí đánh giá trình độ ai đó.

Ngoại ngữ không bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT:  Làm sao để dạy, học thực chất?
 - Ảnh 1.

Một buổi học ngoại ngữ với người nước ngoài của học sinh tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Từ năm 2008 đến nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia với mục tiêu nâng cao trình độ của người dân (đặc biệt là giới trẻ), nhưng những vấn đề nhức nhối vẫn còn đó. Nhà trường phổ thông vẫn chăm chăm dạy từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu; các bài kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ chỉ mang tính đối phó; và quan trọng nhất là người trẻ vẫn chưa nói được ngoại ngữ thuần thục.

Bản chất môn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT chưa đánh giá được các kỹ năng ngôn ngữ, chỉ kiểm tra ngữ pháp, từ vựng là chính. Mặc dù bài thi có những câu kiểm tra gián tiếp kỹ năng nói và viết nhưng số lượng, cách thức ra đề của những phần này còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến việc chỉ cần học mẹo là có thể làm đúng mà không cần sở hữu kỹ năng ngôn ngữ tương đương. Bên cạnh đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh vẫn còn thấp và chênh lệch giữa các vùng miền, tỉnh thành.

Vượt rào cản nếu muốn thay đổi cách dạy học ngoại ngữ

Nhiều người tin rằng việc ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc sẽ giảm áp lực cho cả thầy lẫn trò, từ đó việc học ngoại ngữ sẽ thoải mái, vui vẻ hơn. Không bị bài thi thuần ngữ pháp và từ vựng gò bó, giáo viên tiếng Anh sẽ có cơ hội cho học sinh thực hành kỹ năng ngôn ngữ nhiều hơn và từ đó chất lượng dạy học nói chung sẽ được cải thiện.

Nhiều nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ vẫn là yếu tố bắt buộc đối với sinh viên CĐ, ĐH nên người trẻ vẫn phải học ngoại ngữ để đủ điều kiện ra trường; và để lấy được chứng chỉ quốc tế thì việc học các kỹ năng ngôn ngữ là điều bắt buộc. Từ đó, trình độ ngoại ngữ nhìn chung sẽ được cải thiện.

Những dự đoán này hoàn toàn có thể thành sự thực đi kèm với một số điều kiện tiên quyết, và đó là thách thức với ngành giáo dục.

Cụ thể, việc không bắt buộc thi ngoại ngữ sẽ trao nhiều quyền tự chủ cho giáo viên về mặt sư phạm. Nhưng kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam chỉ ra rằng ở các môn không bắt buộc thi, tình trạng "dạy cho có", "kiểm tra cho vui" hay "bơm điểm học bạ" xảy ra rất phổ biến. Nguyên nhân cốt yếu của vấn đề này nằm ở 3 yếu tố.

Rào cản cần vượt qua khi ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc - Ảnh 3.

Khi ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc, giáo viên lẫn học sinh cần vượt qua nhiều rào cản để thực sự tiến tới dạy và học thực chất

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ nhất, giáo viên hoàn toàn không bị áp lực nào về "đánh giá ngoài", tức là họ vừa dạy, vừa cho đề, vừa chấm, vừa quyết định điểm số. 

Thứ hai, chính sách coi trọng thành tích ở rất nhiều nơi sẽ là một dạng áp lực xấu khiến giáo viên phải "cân nhắc" việc học trò mình đạt bao nhiêu điểm thì bản thân họ sẽ không bị khiển trách. Khi một tỷ lệ giỏi, khá được định ra sẵn và quyền quyết định số điểm gần như nằm trong tay giáo viên 100% thì tiêu cực rất dễ xảy ra.

Thêm một vấn đề, Bộ GD-ĐT đã xác nhận cấu trúc bài thi ngoại ngữ giai đoạn 2025-2030 vẫn là trắc nghiệm. Điều này đồng nghĩa những học sinh chọn thi ngoại ngữ vẫn phải học theo kiểu thuần ngữ pháp, từ vựng như trước đây. Vậy liệu giáo viên có đủ "dũng cảm" thay đổi cách dạy học môn ngoại ngữ?

Cuối cùng, trình độ giáo viên vẫn là một câu hỏi lớn. Liệu các thầy cô phổ thông hiện nay có đủ năng lực sư phạm và sẵn sàng để chuyển qua dạy kỹ năng? 

Vai trò của ngoại ngữ ngày càng tăng cao trong hiện tại. Khi toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt thông qua những nền tảng giao tiếp ngày càng hiện đại, các nền tảng kết nối hậu Covid-19 phát triển mạnh mẽ, sự "xâm lấn" của AI trong rất nhiều lĩnh vực; thì việc biết ngoại ngữ là một lợi thế cực kỳ lớn đối với bất kỳ ai trên thế giới chứ không chỉ công dân Việt Nam.

Muốn biến việc kiểm tra đánh giá ngoại ngữ ở trường phổ thông hiệu quả, cũng như để nó trở thành một loại áp lực tích cực thì chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên, chính sách giáo dục vẫn là những câu hỏi rất lớn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.