Tờ Nikkei Asian Review ngày 17.10 dẫn lời ông Jaishankar cho rằng sự vươn lên của bộ tứ kim cương (Quad, gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc) phản ánh xu hướng thay đổi từ thế giới đơn cực sang đa cực, và xu hướng này sẽ trở thành trung tâm trong tương lai.
“Tôi cho rằng tương lai của Quad và bất cứ sự sắp xếp nào của các nước có cùng tính chất đều phản ánh sự chuyển hướng sang thế giới đa cực”, ông phát biểu tại sự kiện do Hội châu Á (trụ sở ở New York, Mỹ) tổ chức.
Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng sự thay đổi trật tự thế giới bắt đầu từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thế giới hiện thiếu cấu trúc để giải quyết các vấn đề, không giống như thời Chiến tranh lạnh khi 2 phe đối phó với các thách thức toàn cầu theo cơ chế liên minh riêng, và trong khoảng thời gian đơn cực sau đó khi Mỹ theo đuổi vị trí dẫn đầu.
“Các thách thức chung hiện không có ai, cấu trúc, tổ chức hay hệ thống các nhân tố có sẵn có thể thực sự giải quyết”, theo ông Jaishankar.
Nhà ngoại giao Ấn Độ cho rằng thế giới đa cực hơn sẽ dần hiển thị, khi nhóm các nước ở quy mô nhỏ hơn sẽ cùng nhau đối phó một số vấn đề cụ thể. “Đó là kết quả tiến hóa rất tự nhiên của một thế giới đa cực hơn”, ông dự báo.
Ngoại trưởng các nước trong bộ tứ kim cương vừa gặp nhau tại Tokyo vào ngày 6.10. Trong một phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay ông muốn mở rộng nhóm này.
Bộ tứ kim cương đang ngày càng hợp tác chặt chẽ về vấn đề an ninh. Nhật và Ấn Độ tháng trước ký thỏa thuận chia sẻ tiếp tế quân sự và hỗ trợ hậu cần. Ấn Độ và Úc cũng ký một thỏa thuận tương tự hồi tháng 6.
Bên cạnh đó, Úc bày tỏ mong muốn tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên được tổ chức bởi 3 nước còn lại trong bộ tứ kim cương.
Bình luận (0)