(TNO) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Hà Nội vào ngày 6.8 tới để gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam, theo thông báo trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27.7.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dạo quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM trong chuyến công du Việt Nam hồi tháng 12.2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày, ông Kerry sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Phạm Bình Minh để trao đổi về các vấn đề song phương và khu vực, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự một sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Cách đây 20 năm, vào ngày 6.8.1995, cựu Ngọai trưởng Mỹ Warren Christopher đã sang thăm Hà Nội và chính thức khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Cũng theo lịch trình đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi sang Việt Nam, ông Kerry sẽ đến Singapore ngày 4.8 để hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ngoại trưởng K. Shanmugam. Hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề song phương và khu vực nhân dịp Singapore chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày độc lập (9.8).
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục bay sang Malaysia trong ngày 4.8 để dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Tại đây, ông sẽ tham gia vào 4 hội nghị đa phương, gồm Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, Hội nghị Mỹ -ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị bộ trưởng các nước thuộc ARF.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng là chỉ huy đội tuần tra hải quân Mỹ tại đồng bằng sông Cửu Long hồi cuối thập niên 1960 trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Với người dân Mỹ, việc ông Kerry bị thương 3 lần trong chiến tranh Việt Nam không gây ấn tượng mạnh bằng cuộc điều trần phản chiến mang tính lịch sử trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 22.4.1971. Vào thời điểm ấy, ông là cựu binh từ Việt Nam đầu tiên điều trần trước Quốc hội về kiến nghị chấm dứt cuộc chiến, và bài phát biểu đã gây ấn tượng mạnh tới mức Tổng thống Richard Nixon phải thừa nhận là “cực kỳ hiệu quả”, theo tờ The Boston Globe (Mỹ). Sau đó, Kerry nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của phong trào phản chiến với những cuộc biểu tình dậy sóng, hành động ném huân chương vào tòa nhà Quốc hội cùng tuyên bố nổi tiếng: “Tôi làm điều này không phải vì bạo lực mà là cho hòa bình và công lý, cũng như nỗ lực cảnh tỉnh đất nước này một lần và mãi mãi”. |
Bình luận (0)