Reuters đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có mặt tại Israel trong ngày 2.11 (giờ địa phương). Mục đích của chuyến đi là thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Israel quyết tâm tiêu diệt Hamas, nhưng cũng khẳng định lại sự cần thiết phải giảm thiểu thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza, theo người phát ngôn của ông Blinken.
Chuyến đi của ông Blinken, với lịch trình bao gồm Jordan, là chuyến công du thứ hai của ông tại Trung Đông trong vòng chưa đầy một tháng, diễn ra sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel hôm 7.10 và Israel trả đũa với các cuộc tấn công nhằm vào Gaza, lãnh thổ mà Hamas kiểm soát.
Điểm xung đột: Israel lộ kế hoạch đẩy dân Gaza sang Ai Cập; Ukraine sợ phương Tây quay lưng?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông Blinken sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác, nghe cập nhật về các mục tiêu quân sự của Israel cũng như kế hoạch của nước này nhằm đạt được những mục tiêu đó.
"Ông ấy sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyền tự vệ của Israel theo luật nhân đạo quốc tế và thảo luận về việc cần phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu thương vong cho dân thường, cũng như nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo của chúng tôi", ông Miller nói với các phóng viên.
Israel đã đưa lực lượng mặt đất tới Gaza vào cuối tuần trước sau nhiều tuần không kích và pháo kích lãnh thổ này. Các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7.10 đã làm ít nhất 8.796 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, trong đó có 3.648 trẻ em, theo cơ quan y tế Gaza.
Ông Blinken cũng sẽ thảo luận về các phương án quản lý Gaza một khi Hamas, tổ chức chính trị - quân sự Palestine, bị đánh bại.
Tại Jordan, ông Blinken sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ mạng sống dân thường và nhắc lại cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo người Palestine không bị ép buộc rời khỏi Gaza, mối lo ngại ngày càng tăng của thế giới Ả Rập, theo ông Miller.
Israel không kích trại tị nạn để diệt ‘chỉ huy Hamas’, nhiều dân thường thiệt mạng
Ông Miller cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán do Ai Cập và Qatar dẫn dắt về việc giải cứu hơn 200 con tin mà Hamas đã bắt giữ.
Các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ ông Blinken cũng sẽ đến nước này nhưng ông Miller không xác nhận thông tin.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1.11 cho biết Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza trong các cuộc điện đàm với đồng cấp Jordan và Ả Rập Xê Út. Theo tuyên bố, các bên đã thảo luận về các bước có thể thực hiện để hướng tới ngừng bắn ngay lập tức và hòa bình lâu dài.
Chuyến đi Trung Đông gần nhất của ông Blinken bắt đầu vào ngày 11.10, với lịch trình ban đầu chỉ bao gồm Israel và Jordan nhưng sau đó thêm vào 5 quốc gia Ả Rập nữa, trở thành nỗ lực ngoại giao sâu rộng nhất của ông tại khu vực.
Jordan triệu hồi đại sứ ở Israel
Ngay trước thềm chuyến thăm của ông Blinken, Jordan hôm 1.11 thông báo nước này đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel về nước và yêu cầu đại sứ Israel không trở lại Jordan, động thái mới nhất để phản đối việc Israel bắn phá Gaza.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết đại sứ của họ sẽ chỉ trở lại Tel Aviv nếu Israel kết thúc chiến sự ở khu vực này và chấm dứt "cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nước này đã gây ra". Đại sứ Israel tại Jordan, người đã về nước hai tuần trước, sẽ chỉ được phép trở lại với các điều kiện tương tự, theo ông Safadi.
Y tế Gaza hối hả, đau đớn, kiệt sức cứu chữa nạn nhân bom đạn Israel
"Điều này thể hiện lập trường của Jordan là phản đối và lên án cuộc chiến của Israel ở Gaza, hành động đã cướp đi sinh mạng của những người vô tội và đang gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có”, ông Safadi nói trong một tuyên bố được đăng trên truyền thông nhà nước.
Israel cho biết nước này "lấy làm tiếc" về quyết định của chính phủ Jordan.
Jordan từng hủy cuộc gặp bốn bên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch tham gia ngay trước ngày ông dự kiến đến nước này, để phản đối việc mà họ cho là Israel tấn công một bệnh viện ở Gaza.
Thông báo mới nhất của Jordan được đưa ra cùng ngày Hamas thông báo số người chết trong trại tị nạn Jabalia đã tăng lên đến 195, sau các cuộc tấn công liên tiếp của Israel trong hai ngày 3.10 và 1.11. Khoảng 120 người vẫn đang mắc kẹt bên dưới đống đổ nát và ít nhất 777 người khác bị thương, theo cơ quan truyền thông của Hamas.
Israel nói rằng họ đã nhắm mục tiêu và giết chết các thủ lĩnh Hamas tại trại tị nạn được xem là có quy mô lớn nhất Gaza.
Trong một tuyên bố hôm 1.11, Pháp cho biết nước này "quan ngại sâu sắc" về các cuộc tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Jabalia, đồng thời kêu gọi tạm thời ngừng bắn vì mục đích nhân đạo để cho phép viện trợ đến tay dân thường cần trợ giúp ở Gaza, theo AFP.
Chiến dịch trên bộ của Israel khiến gia đình con tin lo lắng
Giáo hoàng nhấn mạnh giải pháp "hai nhà nước"
Tại Vatican, Giáo hoàng Francis cho rằng giải pháp "hai nhà nước" là điều cần thiết đối với Israel và Palestine để chấm dứt các cuộc chiến tranh như cuộc chiến hiện nay và kêu gọi quy chế đặc biệt cho Jerusalem. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng xung đột không tiếp tục leo thang.
"(Đó là) hai dân tộc phải chung sống với nhau. Với giải pháp khôn ngoan đó, tức giải pháp hai nhà nước. Hiệp định Oslo, hai quốc gia được xác định rõ ràng và Jerusalem được hưởng quy chế đặc biệt", Giáo hoàng Francis nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RAI của Ý.
Năm 1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat đã ký kết Hiệp định Oslo về việc thiết lập khu vực tự trị có giới hạn của người Palestine.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak và ông Arafat từng tham gia hội nghị thượng đỉnh Trại David năm 2000, nhưng không đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Lộ ý tưởng trục xuất người Gaza đến Ai Cập, thủ tướng Israel nói gì?
Israel chiếm Đông Jerusalem của Ả Rập vào năm 1967 và vào năm 1980 tuyên bố toàn bộ thành phố là "thủ đô thống nhất và vĩnh cửu". Trong khi đó, người Palestine coi phần phía đông của thành phố là thủ đô của một "nhà nước tương lai".
Israel đã liên tục bác bỏ những ý kiến cho rằng thành phố linh thiêng đối với các tín đồ của cả ba tôn giáo - đạo Cơ Đốc, đạo Hồi và đạo Do Thái - có thể được hưởng quy chế đặc biệt hoặc quy chế quốc tế.
Bình luận (0)