Nhà ngoại giao kỳ cựu Allan Wagner (79 tuổi) tuyên thệ nhậm chức vào ngày 15.2, trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi Ngoại trưởng Elizabeth Astete từ chức vì vụ bê bối, theo AFP. Đây là vị ngoại trưởng thứ 6 được bổ nhiệm trong vòng chưa đầy 1 năm.
Trong những ngày gần đây, Peru thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi có thông tin cho rằng các quan chức chính phủ đã bí mật tiêm vắc xin Covid-19 vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi triển khai chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Hồi tuần rồi, Bộ trưởng Y tế Pilar Mazzetti cũng đã từ chức sau khi truyền thông địa phương đưa tin cựu tổng thống Martin Vizcarra bí mật tiêm một liều vắc xin Covid-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) hồi tháng 10.2020.
Trong khi đó, Peru chỉ mới bắt đầu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên cho các nhân viên y tế vào đầu tháng 2.2021 sau khi nhận được 300.000 liều vắc xin từ Sinopharm. Tuy nhiên, chính phủ Peru vẫn chưa công bố thời điểm bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng Covid-19 cho toàn dân.
Trong một tuyên bố ngày 15.2, Tổng thống Francisco Sagasti cho biết gần 500 người đã được tiêm chủng "bất thường", bao gồm 2 cựu bộ trưởng và nhiều quan chức chính phủ khác. Ông Sagasti cho biết thêm nhiều quan chức cấp cao lợi dụng chức vụ để được tiêm chủng khi vắc xin Covid-19 của Sinopharm, vốn được thử nghiệm lâm sàng ở Peru.
"Tôi thực sự lấy làm tiếc khi danh sách của Đại học Cayetano Heredia phụ trách thử nghiệm vắc xin Trung Quốc thể hiện tên của nhiều quan chức chính phủ, bao gồm cựu ngoại trưởng Elizabeth Astete và cựu bộ trưởng y tế Pilar Mazzetti”, ông Sagasti nói.
Hồi cuối tuần rồi, truyền thông Peru đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Zoraida Avalos mở "cuộc điều tra sơ bộ" đối với cựu tổng thống Vizcarra cùng các quan chức khác dính líu vụ bê bối tiêm sớm vắc xin Covid-19.
Trên Twitter hôm 14.2, cựu ngoại trưởng Elizabeth Astete thừa nhận bà đã tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên hồi tháng 1, gọi đó là "sai lầm nghiêm trọng" và hứa sẽ không tiêm liều thứ 2.
Còn cựu tổng thống Vizcarra thừa nhận đã tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin Trung Quốc nhưng phải "giữ bí mật". Vào tháng 11, quốc hội luận tội và phế truất ông Vizcarra vì cáo buộc tham nhũng.
Tuy nhiên, Đại học Cayetano Heredia hôm 14.2 bác bỏ thông tin cho rằng ông Vizcarra là tình nguyện viên trong chương trình thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Sinopharm.
Đáp lại, ông Vizcarra bày tỏ "sự ngạc nhiên" và vẫn khẳng định ông đã “bí mật” tham gia chương trình thử nghiệm vắc xin. Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Peru khẳng định không có thông tin về danh tính tình nguyện viên vì cuộc thử nghiệm là do phía Peru thực hiện.
Trong lúc các nhà lãnh đạo và bộ trưởng chính phủ ở một số quốc gia khác tiêm chủng công khai để khuyến khích những người dân còn hoài nghi về vắc xin Covid-19 thì các quan chức hàng đầu Peru bí mật tiêm phòng sớm khiến dư luận bức xúc.
Bình luận (0)