Phát biểu tại quốc hội Singapore, Ngoại trưởng Balakrishnan cho hay ông hy vọng những người bị bắt, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint có thể được thả để họ có thể đàm phán với hội đồng quân sự, nắm quyền lãnh đạo Myanmar từ ngày 1.2, theo Reuters.
Ngoại trưởng Balakrishnan cho hay Singapore, quốc gia đầu tư lớn ở Myanmar, quan ngại về tình trạng đụng độ trong các cuộc biểu tình, bắt giữ công chức, cắt dịch vụ internet và triển khai binh sĩ cũng như xe bọc thép trên phố. “Đây là những diễn biến đáng báo động. Chúng ta kêu gọi giới chức hết sức kiềm chế”, ông Balakrishnan nhấn mạnh.
|
“Chúng ta hy vọng họ thực hiện các bước khẩn cấp nhằm hạ nhiệt tình hình. Không nên có bạo lực nhắm vào dân thường không có vũ trang. Và chúng ta hy vọng có giải pháp hòa bình”, Ngoại trưởng Balakrishnan phát biểu tại quốc hội.
Ông Balakrishnan cho rằng việc áp đặt lệnh cấm vận trên diện rộng sẽ gây tổn hại cho dân chúng ở Myanmar và ông cũng đã nêu nguy cơ này trong những cuộc thảo luận với những người đồng cấp ở các nước phương Tây, trong đó có Đức.
Mỹ và Anh hiện nằm trong số các nước đã thông báo hoặc đe dọa áp đặt lệnh cấm vận đối với chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc chính biến ngày 1.2, theo Reuters.
Trong khi đó, quân đội Myanmar hôm nay phủ nhận việc lực lượng này lật đổ chính quyền dân cử là đảo chính, lập luận hành động của họ là chính đáng vì gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020, với chiến thắng thuộc về đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi, không được giải quyết.
“Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền cho đảng giành chiến thắng”, thiếu tướng Zaw Min, phát ngôn viên hội đồng quân sự cầm quyền, khẳng định trong cuộc họp báo đầu tiên của quân đội kể từ khi lên nắm quyền ngày 1.2. Quân đội Myanmar chưa ấn định ngày tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới nhưng đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Bình luận (0)