(TNO) “Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ yêu ngài ấy”, Ngoại trưởng Thái Lan, tướng Tanasak Patimapragorn ngày 5.8 bất ngờ bày tỏ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia).
Ngoại trưởng Thái Lan, tướng Tanasak Patimapragorn trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia) - Ảnh: Reuters
|
Trước mối quan hệ "nguội lạnh" với Mỹ và phương Tây, Thái Lan đang chuyển hướng sang Trung Quốc và muốn có mối quan hệ "thân ái, nồng ấm" với Bắc Kinh. Chính quyền quân sự Thái Lan không ngần ngại thể hiện quan điểm này với Trung Quốc trước sự chứng kiến của báo chí và đại diện nhiều nước khác bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đang diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia), AFP cho biết.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 5.8, Ngoại trưởng Thái Lan, tướng Tanasak Patimapragorn đã đưa ra một tuyên bố gây ngạc nhiên đối với nhiều người, thậm chí cả với ông Vương Nghị.
“Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm tốt nhất cho quan hệ của chúng ta. Đặc biệt là đối với mối quan hệ cá nhân của tôi với Ngoại trưởng Vương Nghị, một người rất dễ thương và lịch sự”, tướng Tanasak, người thân cận của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, đáp lại câu hỏi của các phóng viên về mối quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc hiện nay.
“Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ yêu ngài ấy”, tướng Tanasak phát biểu bằng tiếng Anh với các nhà báo.
AFP mô tả "lời tỏ tình" của tướng Tanasak Patimapragorn khiến ông Vương Nghị lúng túng, không biết phải đáp lại như thế nào.
“Chúng ta quá gần gũi, hơn cả bạn bè. Có thể gọi là anh em họ hàng với lịch sử lâu đời”, Ngoại trưởng Thái Lan tiếp tục “tán tỉnh” người đồng cấp. “Chúng tôi không nói như nhà ngoại giao mà là cá nhân, bạn bè”, ông tiếp.
Lời "tỏ tình" của Ngoại trưởng Thái Lan khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bối rối
- Ảnh minh họa: Reuters |
Thái Lan vốn là đồng minh lâu đời của Mỹ trong hơn 180 năm, đặc biệt rất thân cận trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên kể từ khi quân đội làm đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, quan hệ giữa Bangkok và Washington trở nên nguội lạnh. Mỹ giảm hẳn các quan hệ ngoại giao và quân sự với Thái Lan nhằm thể hiện sự phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 5.2014 mà Washington cho là "không đúng luật" của giới quân sự nước này. Tương tự Mỹ, các nước phương Tây cũng "lạnh nhạt" với Bangkok.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra ủng hộ chính quyền quân sự Thái Lan. Bắc Kinh tăng cường hợp tác với Bangkok, cam kết hỗ trợ và thực hiện nhiều dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Thái Lan.
Bình luận (0)