Ngoại trưởng Úc chia sẻ tầm nhìn tương lai với sinh viên Việt Nam

23/08/2023 22:09 GMT+7

Hôm 23.8, trong chuyến thăm đầu tiên đến TP.HCM trên cương vị Ngoại trưởng Úc, bà Penny Wong đã tham gia buổi giao lưu với sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ngoại trưởng Úc chia sẻ tầm nhìn tương lai với sinh viên Việt Nam - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong vui vẻ trò chuyện với các sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM

NHẬT THỊNH

Buổi nói chuyện của Ngoại trưởng Úc Penny Wong tập trung vào các chủ đề quan hệ song phương, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và giáo dục. Đây cũng là dịp các sinh viên, những đại diện thế hệ kế tiếp của Việt Nam, lắng nghe kỳ vọng và tầm nhìn của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Úc về tương lai giữa hai nước.

Úc đặc biệt coi trọng Việt Nam

"Tôi có thể nói với các bạn nước Úc nhìn nhận như thế nào về Việt Nam. Chúng tôi xem Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng trong khu vực. Và chúng tôi coi trọng Việt Nam như một đối tác, như một người bạn theo khía cạnh song phương", bà Wong cho biết.

Ngoại trưởng Úc đề cập một số thách thức mà cả hai nước đang đối mặt trong thời buổi đầy phức tạp, từ cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững.

"Thế giới đang tái định hình, và phần lớn sự thay đổi và định hình lại cái mới đang diễn ra trong khu vực chúng ta đang sống và cùng chia sẻ", nhà ngoại giao nói về thực tế đang diễn ra.

Theo bà, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam và Úc có cùng tầm nhìn chung về hình dạng khu vực mà hai nước đều muốn hướng đến. Đó là tầm nhìn về sự tôn trọng chủ quyền, xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, nơi mà mỗi quốc gia vẫn bảo lưu được năng lực tự đưa ra quyết định phù hợp cho từng nước.

Ngoại trưởng Úc chia sẻ tầm nhìn tương lai với sinh viên Việt Nam - Ảnh 2.

GS-TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, phát biểu chào mừng Ngoại trưởng Úc

NHẬT THỊNH

"Chuyến thăm của tôi là một tuyên bố rõ ràng về những ưu tiên của chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese và là cơ hội để phát huy hơn nữa hợp tác giữa hai nước nhằm định hình khu vực mà chúng ta mong muốn", bà Wong phát biểu trong thông báo được Bộ Ngoại giao Úc công bố trước chuyến thăm Việt Nam.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Việt Nam và Úc chuyển sang quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009 và tiến tới quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2018.

Ngoại trưởng Úc đánh giá cao quan hệ kinh tế song phương và trong sự phát triển kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam. Và theo bà, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Úc chính là tuyên bố chung của cả hai chính phủ về tầm nhìn chung, mục đích chung, lợi ích chung, và mong muốn đảm bảo hai nước xây dựng được cơ chế cho phép đôi bên sát cánh để hoàn thành các mục tiêu chung.

Biến đổi khí hậu và cơ hội khổng lồ

Trong buổi trò chuyện, Ngoại trưởng Úc dành nhiều thời gian về vấn đề biến đổi khí hậu. Bà từng là Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của Úc từ năm 2007-2010, và dẫn đầu phái đoàn Úc tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12.2009.

Và bà buộc phải thừa nhận rằng trong 9 năm gần đây, thế giới có vẻ khá "ì ạch" về vấn đề cắt giảm khí phát thải.

Ngoại trưởng Úc chia sẻ tầm nhìn tương lai với sinh viên Việt Nam - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi nói chuyện của Ngoại trưởng Úc tại Đại học Kinh tế TP.HCM

NHẬT THỊNH

Theo bà Wong phân tích, biến đổi khí hậu đại diện cho sự chuyển dịch kinh tế của thế hệ hiện tại và kế tiếp. Và quy mô chuyển dịch đó thật sự to lớn.

Thách thức đến từ biến đổi khí hậu không chỉ tập trung vào những gì mà con người đang làm trong thời điểm hiện tại, mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng cho tương lai.

"Hai nước chúng ta đều cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050. Đối với Việt Nam lẫn Úc, đó là sự chuyển tiếp to lớn, sự chuyển đổi về kinh tế", bà cho biết.

Ngoại trưởng Úc đưa ra ví dụ cụ thể về thị trường năng lượng Úc. Vào năm 2000, năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỷ lệ 10% trong thị trường và tăng lên 35% trong năm 2020. Đến năm 2030, Úc cam kết sẽ đẩy mạnh tỷ lệ năng lượng tái tạo vượt ngưỡng 80%.

Về phần mình, Việt Nam cũng đối mặt tình trạng tương tự và cần phải thực hiện xuyên suốt nền kinh tế và ở mọi lĩnh vực. Khác với Úc, cái mà Việt Nam đang phải đối mặt là "thách thức kép": vừa chuyển đổi năng lượng để tiến tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới cùng tiến tới cắt giảm khí phát thải và nhiều nước áp dụng các chính sách chuyển đổi năng lượng xanh, với những quy định rõ ràng liên quan đến quá trình sản xuất. Nếu thất bại trong quá trình chuyển đổi xanh, các nước sẽ mất đi cơ hội thương mại và thu hút đầu tư.

Ngoại trưởng Úc chia sẻ tầm nhìn tương lai với sinh viên Việt Nam - Ảnh 4.

Sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM đặt nhiều câu hỏi cho Ngoại trưởng Úc về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững

NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, bà Wong cũng lưu ý mức độ tác động của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Ngoại trưởng Úc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong quan hệ hai nước, và là lĩnh vực mà Việt Nam và Úc cam kết sẽ tiếp tục xây dựng trong tương lai.

"Đầu tư vào con người là sự phát triển bền vững", bà khẳng định, và bày tỏ sự lạc quan về thế hệ trẻ của Việt Nam. Đồng thời, bà cho rằng việc thực hiện bình đẳng giới là một phần của quá trình phát triển, cho phép các quốc gia thu hoạch những kết quả mạnh mẽ hơn trong các nghị trình phát triển kinh tế.

Úc hỗ trợ ĐBSCL thích ứng trước biến đổi khí hậu

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21- 24.8, Ngoại trưởng Úc công bố gói hỗ trợ 94,5 triệu AUD giai đoạn 2023-2034 để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo bà Wong, ĐBSCL là khu vực hứng chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Từ năm 1993 đến nay, Úc đã thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) để triển khai các dự án hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam, với tổng trị giá trên 157,5 triệu AUD. Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam, cho biết phía Úc đang tiến hành 3 dự án ở ĐBSCL. Đó là dự án thẩm định thất thoát lương thực trong chuỗi giá trị cá tra tại lưu vực sông Mekong; xây dựng và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL; và dự án đa dạng cây trồng trên nền đất lúa nhiễm mặn. Gói hỗ trợ vừa được bà Wong công bố sẽ hứa hẹn nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL trong một thập niên nữa. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.