Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Tonga, cảnh báo về đầu tư từ Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
26/07/2023 12:36 GMT+7

Ông Antony Blinken hôm nay 26.7 trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm đảo quốc Tonga, cảnh báo các quốc gia Nam Thái Bình Dương về đầu tư từ Trung Quốc.

Nằm trong nỗ lực xây dựng ảnh hưởng của Washington trong khu vực và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đặt chân đến thủ đô Nuku'alofa của Tonga, theo AFP.

"Chúng ta là một quốc gia Thái Bình Dương" và "chúng tôi nhìn thấy tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương", ông Blinken nói với giới lãnh đạo Tonga, trong lúc cam kết hỗ trợ các dự án quan trọng đối với họ.

Ngoại tưởng Mỹ đầu tiên thăm Tonga, gửi cảnh báo về đầu tư từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Tonga ở Nuku'alofa ngày 26.7

Reuters

"Chúng tôi thực sự hiểu ưu tiên của người dân ở đây là gì", ông Blinken nói, viện dẫn các vấn đề như biến đổi khí hậu, phát triển và đánh bắt trái phép.

"Có một danh sách dài những điều mà chúng tôi đang làm việc cùng nhau, nhưng tất cả đều được thúc đẩy bằng cách tập trung vào những gì cụ thể, những gì thực sự có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mọi người", Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.

Cảnh báo về viện trợ từ Trung Quốc

Cũng trong cuộc gặp với giới lãnh đạo Tonga, ông Blinken đã gửi một cảnh báo cứng rắn về viện trợ từ Trung Quốc, vốn đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Theo AFP, ông nói có những khoản đầu tư từ Trung Quốc được thực hiện theo cách thức "có thể làm suy yếu quản lý và thúc đẩy tham nhũng".

Ngoại tưởng Mỹ đầu tiên thăm Tonga, gửi cảnh báo về đầu tư từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lắng nghe Thủ tướng Tonga Hu'akavameiliku Siaosi trong cuộc họp báo ở Nuku'alofa, Tonga, ngày 26.7

Reuters

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với phát biểu trên của Ngoại trưởng Blinken.

Trước đó vào tháng 3, khi còn hai tháng nữa mãn nhiệm, Tổng thống khi đó của đảo quốc Micronesia David Panuelo viết trong một bức thư rằng Trung Quốc đang tham gia vào "chiến tranh chính trị" ở Thái Bình Dương, cáo buộc các quan chức Bắc Kinh hối lộ các quan chức dân cử ở Micronesia, và thậm chí là "đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cá nhân tôi", theo tờ The Guardian.

Khi được hỏi về những bình luận của ông Panuelo, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 10.3 rằng: "Những lời bôi nhọ và cáo buộc chống lại Trung Quốc trong đó không phù hợp với thực tế".

Trung tâm ngoại giao

Tonga, với khoảng 100.000 dân, là quốc gia mới nhất trong chuỗi các đảo quốc ở Thái Bình Dương trở thành mục tiêu trong nỗ lực ngoại giao mới của Mỹ.

Đại sứ quán mới của Mỹ tại thủ đô Nuku'alofa đã chính thức được khai trương vào tháng 5, nhưng giới lãnh đạo Tonga cho hay chuyến thăm của ông Blinken báo hiệu sự quan tâm mới của Washington đối với khu vực.

"Sự hiện diện của ông ấy ở đây hôm nay là minh chứng cho thực tế rằng mối quan hệ đối tác của chúng tôi đang ngày càng phát triển mạnh mẽ", Thủ tướng Tonga Hu'akavemeiliku Siaosi Sovaleni nhấn mạnh.

Ngoại tưởng Mỹ đầu tiên thăm Tonga, gửi cảnh báo về đầu tư từ Trung Quốc - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Thủ tướng Tonga Hu'akavameiliku George tại Nuku'alofa (Tonga) ngày 26.7

Reuters

Mỹ cũng có kế hoạch mở đại sứ quán tại Vanuatu và Kiribati. Trước đó, vào tháng 2, Mỹ đã khôi phục đại sứ quán của mình ở Quần đảo Solomon sau 30 năm gián đoạn.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả chuyến thăm mới của Ngoại trưởng Blinken như một bằng chứng cho thấy Mỹ không còn tin tưởng vào đồng minh Úc của mình trong việc quản lý mối quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, theo AFP.

Mỹ là lực lượng quân sự chiếm ưu thế ở Nam Thái Bình Dương kể từ Thế chiến 2, nhưng khu vực này đang ngày càng trở thành đấu trường cho các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng thương mại, chính trị và quân sự.

Trung Quốc, với sức mạnh quân sự đang gia tăng, cũng đã tự khẳng định mình thông qua việc mở rộng phạm vi ngoại giao, đầu tư, đào tạo cảnh sát và các thỏa thuận an ninh, theo AFP.

Khi ở Tonga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã bình luận về vụ Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bất ngờ bị bãi nhiệm hôm 25.7. "Tôi cầu chúc cho ông ấy gặp mọi điều tốt lành", Ngoại trưởng Blinken nói, đồng thời tuyên bố sẽ làm việc với người thay thế ông Tần là ông Vương Nghị.

"Tôi cũng đã biết Vương Nghị hơn một thập niên. Tôi đã gặp ông ấy nhiều lần. Tôi mong có thể làm việc tốt với ông ấy như chúng tôi đã làm trong quá khứ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm. Việc đó bắt đầu bằng ngoại giao, bắt đầu bằng sự gắn kết và tôi sẽ làm việc với bất kỳ đối tác Trung Quốc có liên quan", ông Blinken nhấn mạnh.

Ông Vương hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là người tiền nhiệm của ông Tần trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.