Ngoài uống cà phê, cần tận dụng lá, thân, rễ bã... để tăng nguồn lợi cho nông dân

12/03/2023 17:06 GMT+7

Ngoài việc khai thác cà phê làm thức uống, cần nghiên cứu, có biện pháp để tận dụng loài cây này từ lá, thân, rễ, bã cà phê… tạo ra những sản phẩm phụ, nhằm đem lại nguồn lợi cho người nông dân và cả ngành hàng cà phê.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê VN chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" do Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội cà phê - ca cao VN phối hợp tổ chức ngày 12.3 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị ngành cà phê VN nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần xem xét, tư duy đến việc xây dựng văn hóa cà phê để cà phê VN tăng thêm giá trị;  xây dựng văn hóa cà phê để dẫn dắt ngành hàng cà phê phát triển. "Việc xây dựng văn hóa cà phê cần phải có sự chung tay từ bà con nông dân cho đến các doanh nghiệp, nhà phân phối, chính quyền địa phương và cả những ngành văn hóa", bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Làm gì để tạo chuỗi ngành hàng cà phê chất lượng cao, tăng trưởng xanh, bền vững? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

HOÀNG BÌNH

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài việc khai thác cà phê làm thức uống, cũng cần nghiên cứu, có những biện pháp để tận dụng loài cây này từ lá, thân, rễ, bã cà phê… tạo ra những sản phẩm phụ, đem lại nguồn lợi cho người trồng cà phê và cả ngành hàng.

 "VN đang là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới. Nhưng trong thương trường không có gì là vĩnh cửu. Chúng ta phải học hỏi, thay đổi để vươn lên, làm nên sự khác biệt của cà phê Việt, để bán giá trị của sự khác biệt trong cà phê", ông Hoan nhấn mạnh.

Làm mới ngành hàng cà phê VN

Nhiều đại biểu các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng thời gian qua, cà phê VN đã có bước tiến lớn về chất lượng. Tuy nhiên, ngành cà phê vẫn còn hạn chế từ khâu sản xuất đến chế biến, có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới nhưng chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng chưa cao.


Làm gì để tạo chuỗi ngành hàng cà phê chất lượng cao, tăng trưởng xanh, bền vững? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp cà phê giới thiệu sản phẩm với đối tác bên lề hội thảo.

HOÀNG BÌNH

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh này có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, ngành cà phê của tỉnh đã có những bước tiến mới, xây dựng được thương hiệu nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: sản xuất thiếu bền vững, lạm dụng phân bón, xuất khẩu sản phẩm thô…

Theo ông Hà, để phát triển ngành hàng cà phê chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và bền vững, những năm tới, Đắk Lắk chủ trương giữ vững diện tích cà phê, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu…

Theo số liệu tại hội thảo, tính đến năm 2022, VN có diện tích hơn 710.000 ha cà phê, sản lượng 1,84 triệu tấn. Năm 2022, cả nước xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỉ USD. Trong đó, Đắk Lắk có hơn 213.000 ha cà phê, sản lượng gần 527.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk năm 2022 đạt khoảng 800 triệu USD,  chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.