Không dám làm tổn hại cây
Chùa Chrôi Tưm Chắs (chùa Trà Tim cũ) được xây dựng năm 1465, tại P.10, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng. Phần lớn khuôn viên chùa được phủ xanh với hàng trăm cây sao cổ thụ rợp bóng mát quanh năm. Vì vậy, đối với người dân địa phương, ngôi chùa không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin vào đức Phật mà còn là chốn tìm về không gian thanh tĩnh, bình yên.
Sau cánh cổng chùa là những cây sao thân vạm vỡ, da xù xì. Cây nào cũng vươn thật cao để tìm ánh nắng. Một số cây có rễ trồi lên mặt đất, nổi u nần cùng hình thù "quái dị". Với tuổi đời hàng trăm năm, lớp rêu xanh bám trên thân tựa như bộ râu của những cây sao già. Vườn sao trồng bao quanh các công trình kiến trúc, liên hoàn tạo thành bức tường tự nhiên bảo vệ chùa.
Thượng tọa Lý Đen, trụ trì chùa Chrôi Tưm Chắs, cho biết tên chùa theo tiếng Khmer có nghĩa là "song song". Tên gọi này bắt nguồn từ vị trí địa hình đặc biệt của ngôi chùa. Nơi này trước kia nằm trên 2 giồng đất cát chạy song song, người dân làm ruộng ở giữa. Để phù hợp với thổ nhưỡng, các sư trụ trì đầu đời đã trồng cây sao để chúng dễ sinh trưởng, phát triển. Lứa cây đầu tiên trồng theo hàng, nhưng rồi cây con nảy mầm từ hạt, nối tiếp mọc lên tạo vẻ nguyên sơ.
Theo thượng tọa Lý Đen, năm 1962, chùa Chrôi Tưm Chắs diễn ra cuộc biểu tình của các sư sãi và đồng bào Khmer chống lại ý định dời chùa của chính quyền Sài Gòn để xây dựng sân bay quân sự, nhằm mở rộng địa bàn tấn công phong trào kháng chiến. Chùa cũng từng nuôi giữ bí mật cán bộ cách mạng, giải phóng quân. Quân địch nhiều lần lùng sục, quần thảo nhưng bất thành. Cùng với bà con phật tử và sư sãi, những hàng cây sao cũng góp phần che chở cho nhà chùa trong những năm tháng thăng trầm của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hiện, khuôn viên chùa có hàng trăm cây sao kích thước khủng. Người dân trong phum sóc coi đó là những cây "thiêng" nên không ai làm điều gì tổn hại đến cây. Dưới những cây sao cổ thụ, các sư thường ngồi đọc kinh kệ, các em nhỏ tung tăng chạy nhảy và là nơi đồng bào Khmer vui chơi vào những dịp lễ lớn trong năm.
Thoát nghèo nhờ được chùa giúp đỡ
Thượng tọa Lý Đen cho biết trước đây, chùa Chrôi Tưm Chắs có diện tích gần 7 ha. Chùa đón tiếp nhiều phật tử đến tá túc, rồi cho hơn 100 người khó khăn đất cất nhà. Nhờ đó, nhiều người có điều kiện lập nghiệp, từ tay trắng vươn lên thoát nghèo. Đến nay, đất của chùa chỉ còn lại gần 4 ha. Năm 2018, ngôi chánh điện và một số công trình khác xuống cấp trầm trọng nên chùa tiến hành xây mới. Nhiều người từng được chùa giúp đỡ, nay cuộc sống khấm khá, đã tự nguyện đóng góp một phần kinh phí để giúp lại chùa.
Ngôi chánh điện mới nguy nga, lộng lẫy với những bức phù điêu chạm hoa văn nổi tinh xảo. Các họa tiết mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Khmer. Kiến trúc trang trí bởi các hình ảnh, mô típ quen thuộc như: tượng chằn (Yeak), chim thần (Krut), rắn thần (Nagar), vũ nữ nhảy múa (Apsara), tiên nữ (Keyno), pháp luân… Tuy nhiên, so với đa số chùa có tông màu vàng - đỏ chủ đạo, nét đặc trưng của chùa Chrôi Tưm Chắs là có thêm nhiều gam màu cam và hồng. Cổng tam quan và hệ thống tường bao quanh chùa sơn son nổi bật. "Màu sắc này nhà chùa tự chọn, do sở thích. Chùa chiền ở Sóc Trăng vô cùng đa dạng màu sắc nên các sư sãi cũng muốn làm gì đó tạo nên nét riêng để người dân dễ phân biệt, dễ nhớ tới chùa", thượng tọa Lý Đen nói.
Bên cạnh những đồ vật trang trí bằng gỗ, chùa Chrôi Tưm Chắs còn có 3 chiếc ghe ngo làm bằng gỗ sao quý, có nguồn gốc từ Campuchia. Theo ông Sơn Thái Hiền (54 tuổi, phật tử làm công quả tại chùa), vào dịp lễ Ooc Om Boc, tại Sóc Trăng có rất nhiều chùa tham gia tranh tài đua ghe ngo. Để tạo bản sắc riêng, nhà chùa chọn mẫu thiết kế uyển chuyển cho ghe là hình chim phượng hoàng.
Hình ảnh khác biệt của chùa Chrôi Tưm Chắs không chỉ có ý nghĩa đối với các sư sãi mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương. "Các ngôi chùa Khmer đều giữ gìn văn hóa truyền thống chung, nhưng sẽ luôn tìm sự cách tân mới lạ để tạo dấu ấn riêng. Vì vậy, dẫu chùa ở miền Tây có nhiều, du khách vẫn muốn đến chùa này, chùa kia để tham quan", ông Dương Văn Bằng (48 tuổi, phật tử chùa Chrôi Tưm Chắs) chia sẻ. (còn tiếp)
Bình luận (0)