Ngôi làng kỳ diệu ở Singapore

01/10/2022 19:30 GMT+7

Tại Enabling Village, dù bạn là người bị tự kỷ, mắc hội chứng Down hoặc phải sống với những khiếm khuyết hình thể, tất cả đều được trao cơ hội để có thể hòa nhập với phần còn lại của xã hội.

Kính lúp ở siêu thị dành cho người gặp vấn đề về đọc

thụy miên

Nằm ở rìa nam của Vùng Trung tâm, khu đô thị mới của Singapore, Enabling Village thuộc khu Lengkok Bahru là địa điểm đặc biệt, nơi thật sự mang đến những điều kỳ diệu cho nhiều gia đình.

Thông qua chương trình Impact Media Fellowship (IMF) do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức, phóng viên Thanh Niên đã có dịp tham quan Enabling Village vào tháng 8. Enabling Village là cộng đồng và trung tâm thương mại xã hội, cung cấp nền tảng cần thiết cho hoạt động học tập, đào tạo nghề và cho phép các công ty tuyển dụng người lao động khuyết tật.

“Mẹ ơi, con có thể nấu ăn này!”

Nhìn bề ngoài, Enabling Village là một khu phức hợp với thiết kế đô thị hiện đại trong một khuôn viên toàn cây xanh. Sau khi tham gia buổi nói chuyện người đại diện nơi này, bữa trưa đoàn nhà báo Đông Nam Á ăn trưa dưới dạng cơm hộp. Khi kết thúc bữa ăn ngon miệng, chúng tôi mới biết những phần ăn này do những người tự kỷ đội ngũ nhân viên tự kỷ của Nhà hàng Giáo sư Brawn (Professor Brawn Bistro) cung cấp. Đây là công ty dịch vụ thức ăn nhà hàng do Trung tâm Tài nguyên Tự kỷ (ARC) thành lập, nhằm mang đến việc làm cho những người mắc chứng tự kỷ, cho phép họ hòa nhập xã hội và có năng lực trang trải cuộc sống.

Bảng chỉ đường đến Professor Brawn Bistro

thụy miên

Bên cạnh Professor Brawn, Enabling Village còn đặt một bếp ăn khác, tên Samsui Kitchen, mang đến cơ hội hòa nhập xã hội cho người khuyết tật. Trên khuôn viên diện tích 325 m2, mỗi ngày đội ngũ nhân viên của Samsui Kitchen cung cấp đến 5.000 phần ăn cho các viện dưỡng lão, khách sạn, công ty. Những người học việc ở Samsui Kitchen bao gồm người mắc chứng tự kỷ, hội chứng Down hoặc khiếm khuyết hình thể. Trong năm 2021, Samsui Kitchen đã đào tạo được 60 học viên thuộc diện đặc biệt, và đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ trang bị kỹ năng cho 300 lao động làm việc trong ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống.

Một số nhân viên ở Professor Brawn Bistro tại khuôn viên Enabling Village là người khuyết tật phục vụ tại nhà hàng, bao gồm người mắc chứng tự kỷ. Còn tại quán cà phê Starbucks bên trong khu mỹ thuật, một trong hai nhân viên mắc chứng tự kỷ, và khách hàng luôn kiên nhẫn chờ đến lượt mình được phục vụ.

Sản phẩm thủ công do người tự kỷ thiết kế

thụy miên

Trao cho năng lực sống có phẩm giá

Ví dụ, tại khu vực hàng lưu niệm của Enabling Village, bạn sẽ bất ngờ trước những sản phẩm thủ công xuất phát từ bàn tay của những người khuyết tật và tự kỷ. Họ quả là những nghệ nhân thực sự, tạo ra các thiết kế đẹp đẽ đến khó tin.

Trả lời Thanh Niên, bà Ku Geok Boon, Giám đốc Điều hành SG Enable (tổ chức vận hành Enabling Village), Enabling Village là không gian cộng đồng đầu tiên của Singapore kéo gần khoảng cách giữa người khuyết tật và người lành lặn. Chẳng hạn, nơi đây có trường mẫu giáo tiếp nhận học sinh khuyết tật lẫn không khuyết tật. Điều này tạo điều kiện cho các em không khuyết tật sinh hoạt gần gũi và hiểu hơn về bạn bè bị khuyết tật. Ngược lại, môi trường hòa đồng như thế cho phép các em bị thiếu khuyết có thể xóa nhòa cảm giác bị phân biệt đối xử vì cho rằng bản thân “khác biệt” so với bạn bè cùng trang lứa.

Bàn phím đặc biệt

thụy miên

Enabling Village được trang bị phòng gym dành cho tất cả các đối tượng, và tất nhiên có đầy đủ dụng cụ tập luyện phù hợp cho người khuyết tật. Phòng khám chữa răng cũng hoạt động theo tiêu chí tương tự. Và để mang đến lợi ích tốt nhất cho những người khuyết tật, Enabling Village đưa vào sử dụng những công nghệ hỗ trợ mới nhất (Tech Able), giúp họ sinh hoạt và làm việc dễ dàng hơn.

Siêu thị của nơi này cũng khác với những nơi khác. Các lối đi rộng hơn để phục vụ khách hàng di chuyển bằng xe lăn, những kệ hàng thấp hơn bình thường để người ngồi xe lăn có thể dễ dàng chọn lựa. Xe đẩy hàng trong siêu thị cũng được thiết kế phù hợp cho việc di chuyển bằng xe lăn. Mỗi kệ hàng có kính lúp để phóng to chữ trên bao bì, dành cho người mắc chứng khó đọc. Và máy ATM rút tiền có những hàng chữ được in nổi, phù hợp cho người dùng khiếm thị.

Sản phẩm của nghệ nhân Sheng Jie, chàng thanh niên bị tự kỷ và đam mê vẽ khủng long

thụy miên

Kể từ khi khai trương năm 2015, bà Boon ước tính trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 người lui tới Enabling Village. Tại đây hiện có khoảng 100 người khuyết tật làm việc ở nhiều bộ phận, mang đến cơ hội sống có phẩm giá cho tất cả mọi người. Trước Enabling Village, chưa từng có mô hình nào tương tự ở Singapore và nhiều nơi khác trên thế giới. Có thể nói Enabling Village là mô hình thu nhỏ, đại diện cho giấc mơ của Singapore: giấc mơ về một xã hội không phân biệt và có chỗ đứng cho tất cả mọi người.

Singapore có khoảng 100.000 người khuyết tật. Số liệu của Bộ Nhân lực nước này cho thấy 52% số người khuyết tật được tuyển dụng đang làm việc trong các ngành dịch vụ cộng đồng, xã hội và tư nhân (23,1%); ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống (9,7%); ngành dịch vụ chuyên nghiệp như công nghệ thông tin, nghệ nhân…(9,6%) và ngành sản xuất (9,3%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.