Ngôi làng làm lễ rước vua chúa giả: hàng chục thanh niên hô hào tung kiệu

Ngôi làng làm lễ rước vua chúa giả: hàng chục thanh niên hô hào tung kiệu

03/02/2023 07:36 GMT+7

Ngày 12 tháng giêng, làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội tổ chức Lễ hội Đền Sái với nghi lễ rước kiệu, tung kiệu vua chúa giả thu hút sự quan tâm lớn của người dân và du khách.

Tại lễ hội, đã diễn ra hoạt động mô phỏng lại cảnh kiệu chúa Thanh Giang Sứ đi đầu dẹp loạn trong tích xưa. Người vinh dự được chọn hóa trang thành chúa là ông Trần Văn Tích, 73 tuổi. Nhóm tung kiệu bao gồm hơn 30 thanh niên là con cháu dòng họ Trần. Cứ đi khoảng 20 m, đoàn rước kiệu sẽ dừng lại để tung kiệu lên cao, xoay vòng tròn, hò reo náo nhiệt.

Độc đáo lễ rước vua chúa giả: hàng chục thanh niên hô hào tung kiệu - Ảnh 1.

Người vinh dự được chọn hóa trang thành chúa sẽ hóa trang đỏ đậm, nghiêm nghị ngồi trên kiệu vung kiếm chém, hô hào khí thế

Ngọc Vũ

"Mình thì năm nào cũng vậy, đến đây rất ấn tượng vì đặc biệt ở đây có lễ quay kiệu. Khi quay kiệu thì anh em con cháu của một vua chúa dùng lực lượng khỏe nhất trong họ, mới được vinh dự được quay kiệu. Mình cũng rất thích thú và ấn tượng nhất tiết mục quay kiệu", chị Nguyễn Thị Yến, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Đi sau kiệu chúa là kiệu vua An Dương Vương. Người được lựa chọn hóa trang vua là ông Nguyễn Quang Vinh, 76 tuổi. Ông Vinh cho biết, dù đã lớn tuổi nhưng khi ngồi trên kiệu cao vẫn cảm thấy khỏe khoắn, tự hào.

Những người được chọn hóa trang thành vua chúa thông thường có độ tuổi trên 70, được người dân trong làng kính trọng. Kiệu vua được rước lên đền Thượng, còn kiệu chúa được rước lên đền Sái để làm lễ tế, cầu khấn cho một năm mới bình an, tài lộc, mưa thuận gió hòa. Sau đó, kiệu chúa sẽ vòng sang đền Thượng, cùng vua quan thực hiện nghi thức chém đầu bạch kê tinh.

Độc đáo lễ rước vua chúa giả: hàng chục thanh niên hô hào tung kiệu - Ảnh 2.

Những người được chọn hóa trang thành vua chúa thông thường có độ tuổi trên 70, được người dân trong làng kính trọng

Ngọc Vũ

Di tích lịch sử đền Sái là nơi thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp vua Thục – An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Theo kế hoạch của ban tổ chức, lễ hội đền Sái xuân Quý Mão 2023 sẽ được tổ chức đến hết ngày 15 tháng giêng âm lịch.

Độc đáo lễ rước vua chúa giả: hàng chục thanh niên hô hào tung kiệu - Ảnh 3.

Theo kế hoạch của ban tổ chức, lễ hội đền Sái xuân Quý Mão 2023 sẽ được tổ chức đến hết ngày 15 tháng giêng âm lịch

Ngọc Vũ

"Tôi là người Đông Anh đây, hầu như năm nào cũng vào vài ba lần. Năm nay đầu năm chưa vào hội đầu năm đã vào rồi, mùng 2 đã vào rồi. Hôm nay vào xem các cụ tế lễ, rước kiệu. Hai năm về trước vào đền đóng cửa không cho vào, nghĩ tủi thân chứ. Còn khỏe ngày nào, còn đến lễ hội ngày đó", ông Nguyễn Văn Liên, H.Đông Anh, TP.Hà Nội chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.