Nhà tôi ở thôn quê, gió đồng rất nhiều, được gọi là "ngôi nhà ba không", gồm không sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ và máy giặt. Hằng ngày, tôi chỉ cần mở cửa sổ là gió thiên nhiên ùa vào. Đây là lý do vì sao nhà tôi rất hiếm khi sử dụng quạt máy. Phòng ngủ cũng có cửa sổ nên tôi cũng không thèm gắn máy điều hòa làm gì cho tốn kém.
Nhà tôi không mua máy giặt. Gia đình gồm có vợ chồng tôi và con trai. Con đi làm vất vả nên việc giặt quần áo do vợ tôi làm. Khi vợ tôi bận công việc thì tôi sẽ… thay ca. Hiện nay, vợ tôi 56 tuổi, tôi đã 60 tuổi, vậy mà hằng ngày vẫn giặt quần áo bằng tay khiến nhiều người ngạc nhiên. Tôi có suy nghĩ, với người lớn tuổi, giặt quần áo cũng là hình thức vận động cho khỏe hơn.
Ngoài ra, mỗi thành viên trong gia đình luôn có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Buổi tối, ở nơi nào thì mở đèn nơi ấy, khi không còn sử dụng là tắt đèn ngay. Nhà có ấm nấu nước siêu tốc nhưng chỉ sử dụng hâm lại nước trong bình thủy. Sáng sớm, vợ tôi dậy nấu nước bằng bếp củi do nhà ở thôn quê có nhiều củi. Sau đó lượng nước sôi này chế vào hai cái bình thủy. Khi nấu cơm nồi điện thì chế nước từ bình thủy ra nấu. Khi cần ăn mì gói thì hâm nước lại bằng ấm điện siêu tốc.
Các thiết bị tốn nhiều điện kể trên mà nhà tôi lại không sử dụng thì việc hóa đơn điện hằng tháng khoảng 300 ngàn đồng là điều tất nhiên. Rất nhiều người khuyên tôi nên sắm máy giặt hay máy điều hòa nhiệt độ, nhưng tôi vẫn cương quyết không sử dụng các thiết bị chưa cần thiết này.
MANG THÓI QUEN TỐT TỚI TRƯỜNG HỌC
Tại các phòng học, nhà trường gắn nhiều quạt máy. Hằng ngày tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh chỉ mở quạt khi trời nóng. Những lúc tôi dạy buổi sáng thì các tiết đầu tôi không cho học sinh mở quạt. Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi phân công cụ thể một học sinh chịu trách nhiệm tắt đèn, quạt khi các em ra sân học thể dục hay ra về. Em nào làm tốt, cuối năm tôi khen thưởng. Em nào không làm tốt, tôi chọn em khác làm công việc này.
Sau những tiết dạy, tôi thường giáo dục cho các em ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Trường có 33 lớp, nếu học sinh sử dụng điện đúng cách thì hằng tháng nhà trường sẽ giảm được số tiền đáng kể. Tôi vận động học sinh tham gia tích cực Giờ trái đất. Thỉnh thoảng tôi tổ chức cuộc thi đố vui có thưởng về "Tiết kiệm điện" cho học sinh. Nhờ vậy, nhiều học sinh có ý thức sử dụng điện tiết kiệm ở trường và tại gia đình.
Gia đình từ lâu là tế bào của xã hội. Nếu như gia đình nào cũng có ý thức sử dụng điện tiết kiệm thì tôi tin chắc sẽ không bao giờ toàn xã hội bị thiếu điện sử dụng. Theo tôi, cha mẹ cũng cần là tấm gương cho con và thầy cô là tấm gương cho học sinh về cách sử dụng điện tiết kiệm.
Rèn thói quen tiết kiệm điện từ nhỏ cho thế hệ sau là điều cần thiết mà mọi người lớn cần quan tâm. Thói quen này sẽ theo suốt các con cho đến lúc trưởng thành và sau này.
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)