Ngôi nhà chung cho những người lầm lỗi

Thoạt nghe trường cai nghiện , có lẽ ai cũng hình dung cảnh người nghiện quằn quại, hò hét, kích động... Nhưng đặt chân đến mới thấy, nơi đây như một mái nhà chung, một ngôi trường cho những người một thời lầm lỗi...

Hòa nhập cuộc sống mới
Những ngày cuối năm, Tây nguyên lạnh, chúng tôi đến Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 1 (Trường 1, H.Tuy Đức, Đắk Nông) cách TP.HCM hơn 200 km. Tây nguyên núi rừng hiu hắt nhưng không khí sau cánh cổng Trường 1 thì không như vậy. Từ 5 giờ, tiếng kẻng báo thức vang lên khắp 4 phân trại, một ngày mới bắt đầu với bài tập thể dục buổi sáng, ăn sáng, sau đó lao động. “Không khí mát mẻ, em được chơi các môn thể thao yêu thích, được làm việc, ăn uống điều độ, sức khỏe em khác trước rất nhiều. Lúc ở ngoài đời, nằm mơ em cũng không thể sống kỷ cương, giờ giấc như thế này”, học viên (HV) Trần Văn Tuấn (23 tuổi) chia sẻ.
Tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (Trường 3, H.Phú Giáo, Bình Dương) không khí cũng không kém Trường 1. Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Trường 3, cho biết: “Ở đây ngoài nhiệm vụ giúp HV cai nghiện, giáo dục đào tạo nghề, chúng tôi còn chú trọng giáo dục HV bằng tình cảm, tấm lòng để cảm hóa các em”. Hòa trong điệu nhạc bài hát Bâng khuâng Trường Sa vang cả phòng tập để chuẩn bị cho Hội thi tiếng hát HV toàn TP.HCM, các HV sải bước chân nhuần nhuyễn, đưa tay dẻo đều, say sưa tập luyện, phối hợp điệu nhảy nhịp nhàng... Có mấy ai nghĩ rằng, chỉ mới vài năm trước, những đôi chân này cuống cuồng chạy trốn ở những cuộc truy quét, những cánh tay này từng run rẩy đưa chất bột trắng chết người vào cơ thể mình.
Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh “diễn viên múa” có nước da ngăm đen, người nhỏ thó, rất uyển chuyển. Đó là HV Huỳnh Việt Thắng (31 tuổi), anh vào trường được 3 tháng. Thắng trải lòng: “Một mình vợ nuôi 3 con, bây giờ tôi đã cắt được cơn nghiện, nên phải lấy lại tinh thần”. Thắng cười: “Lần đầu tiên trong đời lên sân khấu biểu diễn, vui vui, lạ lẫm nên phải làm cho tốt”. Bên ngoài sân cỏ, tiếng hò hét cổ vũ cho trận bóng đá đang diễn ra. Mỗi quả bóng vào lưới, những tiếng cười, tiếng reo hò vang lên.
Liệu pháp tâm lý giúp người nghiện quên đi quá khứ, làm lại cuộc đời không chỉ là văn hóa, văn nghệ, thể thao, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người thầy thầm lặng. Không đứng trên bục giảng, nhưng họ vẫn được các HV cai nghiện kính trọng gọi bằng thầy, cô.
Thầy Võ Chí Công (Trường 3) cho biết: HV cai nghiện phần lớn trình độ văn hóa rất thấp, khi sử dụng ma túy thì trí nhớ giảm và tiếp thu chậm. Trước kia HV quen sống tự do, không theo khuôn khổ. Khi vào trường rất khó khăn hòa nhập. Các HV lớn tuổi thì rất ngại học, tiếp thu chậm nên thường phải kéo dài thời gian so với quy định của giáo trình tiểu học. Giáo viên ở đây phải kiên nhẫn, chuyên tâm. Cần thiết phải nguyên tắc, nhưng phải cảm hóa bằng những tình cảm chân thành để HV nhận thức được và thay đổi. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, thầy Hoàng Văn Thắng (Đội quản lý HV số 1, Trường 2, Lâm Đồng) cho biết: “Các HV mỗi người một tính cách nhưng đa phần ít học nên khi được đưa vào đây cai nghiện, họ đều không thích và tỏ thái độ bất cần. Để cảm hóa được họ, phải nắm bắt tâm lý, tâm tư, tình cảm của từng HV. Khi biết HV nào đang buồn chán thì cán bộ phải tâm sự một cách gần gũi nhất như những người bạn thân”.
Làm lại cuộc đời
Để cai nghiện bền vững, hiệu quả thì việc dạy văn hóa, dạy nghề giúp những người đã cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng là không thể thiếu. Cô Lê Thị Thúy Hà - giáo viên phụ trách các lớp học tại Trường 1 - chia sẻ: “Vào đây mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần không có nghề nghiệp ổn định. HV sẽ đăng ký học nghề theo sở thích như: may dân dụng, sửa xe máy, lắp ráp máy tính... HV sẽ học lý thuyết, thực hành, thi lấy chứng chỉ với khóa học hơn 3 tháng”. Anh Tống Đức Huy (27 tuổi, HV Trường 1) vừa cặm cụi lắp xe máy, vừa kể về cuộc đời của mình: Từ lời thách đố của bạn, Huy bị ma túy dẫn dắt khi nào cũng chẳng hay. Bố mất sớm, mẹ ở quê làm ruộng, chỉ còn 6 tháng nữa Huy trở về, nên anh muốn chuộc lại lỗi lầm cũng như có nghề để nuôi sống mình, không làm khổ mẹ.
Ở lớp nghề may tại Trường 3, hơn 20 HV chạy từng đường kim, mũi chỉ thực hành bài “ráp áo sơ mi ngắn tay”. Nguyễn Quốc Thắng (27 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) vui vẻ khoe: “Tôi học chưa được 10 ngày nhưng đã may được chiếc áo, đợi lúc về cùng chị gái mở tiệm may”. Thắng từng có gia đình, sau khi vợ chồng bỏ nhau, anh sa vào ma túy. “Khi về tôi sẽ tìm con và may cho chúng chiếc áo bằng cả tình thương của một người cha với cái nghề vừa học được”, Thắng nói.
Các học viên Trường 1 tập thể dục buổi sáng Ảnh: Công Nguyên
Mấy ai nghĩ tại trường cai nghiện lại có những lớp học đánh vần, tập viết, tập đọc với các HV đủ độ tuổi. Ngay cả tên mình, nhiều HV vẫn không biết viết ra. Anh Trần Ngọc Chiến (35 tuổi, HV Trường 2) tâm sự: “Lúc nhỏ ba mẹ ở quê khổ, ăn không no, lấy đâu đến trường. Nói là tên Chiến mà không biết viết như thế nào. Giờ đã học được lớp 2, tôi sẽ cố gắng viết được một lá thư gửi về cho vợ con”. 50 tuổi mà đang học... lớp 2 là ông Mạc Chí Cường (HV Trường 3). Ông đã cai nghiện 3 lần, nhưng chưa lần nào vượt qua được sau khi trở về. Thế mà lần này ông nói rất chắc chắn: “Vô đây lần 3 mà giờ về dính lại ma túy chỉ có nước chết. Chừng tuổi này rồi, không biết chữ, may mắn được mấy thầy ở đây dạy chữ, giờ đã biết đọc và viết tên mình. Ngẫm lại lần này về phải thay đổi, lo làm ăn”.
Trường cai nghiện là nơi có những con người đang dần làm lại cuộc đời. Gặp HV Trần Quang Trí (30 tuổi, ngụ TP.HCM) ở Trường 2 (H.Lâm Hà, Lâm Đồng) đang đá cầu nhễ nhại mồ hôi, sau buổi lao động. Trí xuất thân gia đình khá giả, tốt nghiệp ĐH, từng làm cho một hãng máy tính nổi tiếng tại TP.HCM, và đã có gia đình. Ngày Trí bị bắt đi cai nghiện cũng là ngày con gái Trí tròn 2 tháng. Là người có học thức, nên cách Trí tâm sự về những lầm lỡ đời mình, về những chuyện buồn do mình gây ra cho gia đình, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nước mắt lưng tròng, Trí nói: “Nơi đây như một trải nghiệm của đời mình. Sinh hoạt ở trường cho tôi cảm nhận rõ tình người. Giờ không nhắc về chuyện cũ mà là lúc giúp tôi cảm nhận, chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải qua, cuộc sống rất quý và vẫn còn sớm để mình bắt đầu lại tất cả”.
Đến các trường cai nghiện mới thấy mỗi HV là mỗi số phận; các khóa đào tạo dạy nghề, những tấm lòng, cái tâm của người quản lý nơi đây, như tô son, điểm màu lại cho những người lầm lỡ một thời, bước tiếp vào cuộc sống tương lai.
Phải bình đẳng với học viên
Trước tình hình HV cai nghiện bị kích động, trốn trại ở một vài trường trại ở các địa phương thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Cần quan tâm chăm lo cho HV, phải quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản giáo, có thái độ đúng mực với HV, không tạo sự quá khích, phải cư xử với HV bình đẳng. Quan tâm điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ, nếu có vấn đề khó khăn, TP.HCM sẵn sàng đáp ứng, để ổn định cuộc sống ở đây. Tăng chất lượng bữa ăn, thời gian sinh hoạt, ca hát, giao lưu để giảm căng thẳng, cán bộ quản giáo tăng lấy ý kiến dân chủ, thay vì 1 tháng phát phiếu lấy ý kiến 1 lần, bây giờ phải 2 lần/tháng. Như vậy, sẽ hạn chế chuyện manh động xảy ra và trốn trại”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.