Nghiên cứu được bắt đầu vào tháng 4.2020 khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Mỹ do dịch Covid-19. Tiến sĩ Jacob D.Meyer, nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Iowa (Mỹ), và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu những thay đổi đột ngột của việc ít vận động trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần.
Kết quả nghiên cứu trên 2.327 người từ 18 - 74 tuổi cho thấy các phản ứng ban đầu đối với đại dịch được giảm dần khi các biện pháp y tế được áp dụng và điều chỉnh về “tình trạng bình thường mới”; tuy nhiên thời gian ngồi lâu cho thấy sự cản trở việc cải thiện của các triệu chứng trầm cảm.
Ở tuần thứ tư trong nghiên cứu, 10% người có thời gian ngồi nhiều nhất cho thấy số điểm trầm cảm cao đáng kể so với 10% người có thời gian ngồi thấp nhất. Đến tuần thứ tám, sự chênh lệch về điểm trầm cảm này thậm chí còn xa hơn.
Nhóm tác giả kết luận: Ngồi nhiều làm hạn chế việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm xảy ra theo thời gian. Tiếp tục duy trì thời gian ngồi nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ hành vi chính đối với các triệu chứng trầm cảm kéo dài.
Nhóm tác giả cũng cho biết cần có các nghiên cứu xa hơn để xem liệu mối quan hệ tiêu cực trên sẽ yếu đi hay mạnh lên theo thời gian. Giải pháp được gợi ý ngay lúc này là giảm thời gian ngồi hoặc chia nhỏ thời gian ngồi và thay bằng các hoạt động khác, theo PsyPost.
Bình luận (0)