Chiều 20.6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội hóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Địa chất và khoáng sản. Luật này do Bộ TN-MT chủ trì soạn thảo.
"Nhiều nơi đền bù không đáng kể so với thiệt hại người dân gánh chịu"
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề cập tới vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ mỏ khi khai thác khoáng sản.
Ông Thành nói có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất là trách nhiệm khôi phục môi trường. Hầu như ở các địa phương có hoạt động khai thác mỏ, vấn đề này thực hiện còn "rất yếu".
Theo phân tích của ông Thành, khai thác mỏ sẽ rất dễ làm thay đổi môi trường, từ nước, đất, địa hình, điều kiện đi lại… Người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp.
Cũng vì thực tế trên, vấn đề thứ hai là trách nhiệm chăm lo đời sống cho người dân. Chủ mỏ phải bồi thường tương xứng với thiệt hại của người dân, nơi diễn ra hoạt động khai thác mỏ.
"Rất nhiều nơi khi khai thác nhưng đền bù không đáng kể so với thiệt hại người dân gánh chịu", ông Thành nói.
Đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề nghị cần quy định rõ về trách nhiệm của chủ mỏ với người dân, bao gồm đền bù thiệt hại trực tiếp, gián tiếp, cũng như các vấn đề về an sinh xã hội, đời sống kinh tế…
Ông Thành cho rằng, dự thảo tuy có nêu một số quy định nhưng mới chỉ dừng ở mức "theo quy định pháp luật", còn chung chung, chưa có chế tài cụ thể. Như ở Thái Nguyên, có những trường hợp hàng chục năm nay không giải quyết được, hỏi đến trách nhiệm thì cứ bảo "anh nọ anh kia", nhưng không có hành lang pháp lý để giải quyết.
"Ngồi trên mỏ vàng nhưng người dân thì lại nghèo nhất"
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nhắc đến các mỏ khoáng sản thuộc diện Bộ TN-MT cấp phép.
Vì thẩm quyền cấp phép không phải địa phương, những mỏ này nếu gây ảnh hưởng về môi trường hoặc đời sống người dân, địa phương cũng chỉ có thể trao đổi, nhắc nhở, hoặc là xử phạt hành chính, chứ không thể đóng cửa mỏ.
Bà Hải dẫn chứng có trường hợp bể lọc của mỏ khoáng sản bị tràn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, dù đã rất lâu nhưng vẫn chưa đền bù đồng nào. Người dân vì thiệt thòi nên khiếu kiện.
Tuy nhiên, địa phương cũng chỉ có thể giải quyết trong phạm vi thẩm quyền như đã nêu, hoặc hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Mà nếu khởi kiện thì rất lâu, nhưng tiếp tục sống thì ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một ví dụ nữa được Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nêu, đó là khu vực xã Thần Sa (H.Võ Nhai). Nơi đây có mỏ vàng với trữ lượng thuộc diện lớn nhất nhì Việt Nam.
"Người ta nói giàu như ngồi trên đống vàng, nhưng riêng H.Võ Nhai của chúng tôi thì lại nghèo nhất. Bà con sống trên mỏ vàng như vậy nhưng lại là nghèo nhất", nữ bí thư nói.
Từ thực tiễn trên, bà Hải đề nghị cần có các quy định về trách nhiệm của chủ mỏ đối với xã hội cũng như người dân, cần có sự bù đắp lại cho người dân sau khi đã thu được các nguồn lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản.
Đồng thời, theo bà Hải, cần có các hướng dẫn về thẩm quyền của địa phương, trong từng trường hợp thì xử lý như thế nào…
Đẩy mạnh phân cấp để giải quyết triệt để
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật Địa chất và khoáng sản), bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng trách nhiệm đền bù thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra là vấn đề rất quan trọng.
Theo ông Tuấn Anh, nếu giao quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ cho địa phương thì sẽ rất dễ quản lý. Ngược lại, nếu không giao, cơ quan quản lý địa phương sẽ không thể "đụng vào" các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của cơ quan T.Ư.
Để khắc phục những bất cập về trách nhiệm của chủ mỏ đối với cộng đồng dân cư, dự thảo luật dành riêng 2 điều quy định về vấn đề này.
Trong đó, điều 9 quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác. Điều 62 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Các quy định này đã rất rõ và chặt chẽ, nhất là về trách nhiệm của chủ đầu tư với cộng đồng dân cư.
Tuy vậy, với các góp ý từ các đại biểu, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo để xây dựng các quy định cụ thể hơn, theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.
Dưới góc độ ý kiến cá nhân, ông Tuấn Anh nhận định cơ quan T.Ư chỉ nên quản lý đối với các khoáng sản quan trọng, thiết yếu; còn lại giao cho địa phương, như vậy mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Bình luận (0)