Ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội học bán trú từ cách đây 30 năm

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/11/2022 11:06 GMT+7

Cách đây 30 năm, Marie Curie được biết đến là trường phổ thông có nhiều hoạt động khác lạ, chưa từng có khi là trường đầu tiên ở Hà Nội tổ chức dạy học bán trú , có xe buýt đưa đón học sinh mỗi ngày…

Dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là thời điểm Trường Marie Curie (Hà Nội) tổ chức 30 năm ngày thành lập. Điều khiến ngôi trường này trở nên đặc biệt không phải "số tuổi" mà chính là những hoạt động khác lạ, chưa từng có ở các trường phổ thông tại Hà Nội thời điểm đó.

Ông Nguyễn Xuân Khang xúc động khi chia sẻ về những thăng trầm của mô hình trường học với nhiều hoạt động khác lạ mà mình xây dựng từ cách đây đúng 30 năm
m.c

Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang rưng rưng nhớ lại từng chặng đường “3 thập niên lúc thăng, lúc trầm. Trong khó khăn có may mắn, trong hạnh phúc có rủi ro”.

Những hoạt động chưa từng có

Ông Nguyễn Xuân Khang kể: Cách đây 30 năm, tết Nhâm Thân 1992, sau đêm giao thừa, tôi tự “giam” mình trong một không gian đặc biệt suốt 3 ngày đêm. Không đi đâu, không gặp ai, tôi tập trung cao độ, dành tất cả tâm huyết và kinh nghiệm để thực hiện một ý tưởng ấp ủ nhiều năm: hoàn thành đề án thành lập trường Marie Curie".

Ngoài bản đề án viết ngắn gọn theo thủ tục hành chính, ông Khang còn có bản thiết kế chi tiết các hoạt động khác lạ, độc đáo của một trường học chưa từng có ở Hà Nội. "30 năm trước, tôi ước mơ Marie Curie sẽ là một ngôi trường: trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò, hướng đến “chân - thiện - mỹ”, ông Khang nói.

Nhiều hoạt động của Trường Marie Curie những năm về sau, cho đến bây giờ, theo ông Khang, đã diễn ra đúng những phác thảo trong 3 ngày đặc biệt đó.

Bữa ăn bán trú của Trường Marie Curie những năm tháng mới thành lập
m.c

Tháng 8.1992, trường tổ chức hội thảo giới thiệu về mô hình hoạt động trường. Sau khi nghe giới thiệu về một ngôi trường sắp ra đời, có nhiều khác lạ (học 2 buổi, ăn và ngủ trưa ở trường), không khí hội trường nóng dần lên. Nhiều câu hỏi về bán trú, nội trú, xe đưa đón, ăn, ngủ, học phí… được giải đáp rõ ràng.

Ngày 29.8.1992, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định cho phép thành lập Trường phổ thông dân lập cấp 2 - 3 Marie Curie.

Về sau, trong một cuộc họp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thời kỳ đó, nói: “Trường Marie Curie thành công vì marketing giỏi, nhằm đúng mong muốn của phụ huynh có nơi gửi con học cả ngày, trưa không phải lo đón con về”.

Học sinh thích thú trải nghiệm mô hình nội trú, bán trú tại trường cách đây vài thập niên
m.C

Theo kế hoạch, trường sẽ tuyển 360 học sinh với 12 lớp, từ lớp 6 đến lớp 10. Học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được tuyển thẳng, miễn học phí, cấp học bổng. Học sinh ở tỉnh khác về học được bố trí ăn ở nội trú tại trường.

Học sinh khác thi 60 phút, trắc nghiệm năng lực trí tuệ theo chuẩn quốc tế (Test Raven). Hơn 1.000 thí sinh dự tuyển. Kết quả, lần đầu tuyển sinh đã "vỡ trận", gần 600 học sinh trúng tuyển, thành lập 17 lớp, trong đó có 2 lớp 11 ngoài kế hoạch.

Trong 10 ngày tuyển đủ giáo viên. Nhiều thầy giáo dạy giỏi nổi tiếng ở Hà Nội sẵn sàng hợp tác với trường. Những cô giáo vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, tràn đầy sức trẻ, cũng xin gia nhập đội ngũ giáo viên của trường.

“Chúng ta đã gặp nhau, không phải trong một cuộc hội hè, không phải trên “trường đua kinh tế”, mà tại một ngôi trường, khi đến đều ước một cái gì đó cao hơn, xa hơn!”, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang xúc động phát biểu tại Gala 30 năm thành lập trường hôm qua 19.11.

Ngày 6.9, Trường Marie Curie tổ chức trọng thể lễ thành lập trường và khai giảng năm học đầu tiên 1992 - 1993.

Gala kỷ niệm 30 năm Trường Marie Curie tổ chức ngày 19.11 ấn tượng với nhiều tiết mục nghệ thuật tài năng của chính học sinh
m.c

Bữa ăn bán trú đầu tiên gặp “sự cố” và những “buffet cơm” không thể quên

Ông Khang nhớ lại: sáng 4.9, sau khi đã cúng ông Công, ông Táo, nhà bếp của trường nấu bữa trưa cho học sinh ăn thử. Đến 9 giờ 30, hai chảo cơm quân dụng rất to gặp sự cố, phải nấu lại. Bữa trưa đầu tiên kéo dài đến 13 giờ 30. Lãnh đạo trường họp với nhà bếp và quyết định cơm, canh, vừng, dưa,… được dùng thoải mái, ra khỏi nhà ăn không ai đói bụng.

Ông nghẹn nghào nhắc đến những năm tháng mà ông cho là "như mơ": "Học trò ăn, ở, học hành, vui chơi… ở trường. Mỗi lần bố mẹ bạn đến thăm, cả phòng nội trú coi như bố mẹ của mình, quà bánh dùng chung… Một số thầy cô giáo cũng ở nội trú. Thầy cắt tóc, cô vá áo cho trò. Những đêm mùa hạ, thầy trò tắm ở bể nước lớn trong trường, thầy gội đầu cho trò, trò kỳ lưng cho thầy, múc nước dội cho nhau…"

Học sinh Marie Curie những năm mới thành lập trường và năm học này
m.c

Chị Quỳnh Trang, cựu học sinh của trường, kể: "Đến đầu năm 2000 việc học bán trú vẫn lạ lẫm với học sinh ở Hà Nội. Thời cấp 1, tụi mình chỉ học 1 buổi/ngày; thế mà vào cấp 2 lại ở Marie Curie lại được học bán trú với phòng học riêng, phòng ở riêng, nhà ăn riêng nên bạn nào cũng háo hức lắm. Nhờ học bán trú, tụi mình đã học được những bước đầu tiên để tự lập.

Phòng bán trú như ngôi nhà thứ 2. Ngày đó, giường tầng chỉ được thấy trong ký tức xá của các anh, chị sinh viên nên khi được thầy cô giới thiệu về phòng bán trú, bạn nào cũng đòi được trèo lên tầng 2 nằm thử.

"Việc lựa chọn trưa nay ăn gì cũng là niềm vui trong mỗi ngày đi học của tụi mình. Ngoài bún, miến phở, cháo, các món ăn cùng cơm cũng được bọn mình gọi là “buffet cơm” vì mỗi ngày có tầm 20 món mặn để lựa chọn…", chị Trang nhớ lại.

Từ 5 tuyến xe buýt đưa đón học sinh đầu tiên...

Marie Curie cũng là một trong số hiếm hoi trường dân lập có xe ô tô đưa đón học sinh. Hằng ngày có 5 tuyến xe buýt, sáng đón học trò đến trường, chiều đưa về nhà.

Học sinh chụp ảnh lưu niệm bên những chiếc xe buýt đưa đón đầu tiên
tư liệu M.C

Thầy trò nhà trường hồi tưởng: "Trên xe buýt có học sinh nhỏ cấp 2 và học sinh lớn cấp 3, cùng với bác lái xe, thân thiết như một gia đình. Tháng nào cũng có “sinh nhật di động” trên xe. Học sinh làm thơ: “Chọn trong những từ yêu thương/Em gọi bác lái xe là bố/Vì em nhớ, khi em còn bé nhỏ/Chỉ có bố mới đưa em đến trường/Chỉ có mẹ mới chiều chiều đến đón…”.

Đến nay, hệ thống xe buýt đưa đón học sinh của trường đã tăng lên thành 175 xe, với 175 tuyến phủ khắp Hà Nội.

Là người sáng lập ra một trong hiếm hoi trường dân lập thời điểm ấy, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang luôn tâm niệm: trong giáo dục, khi khu vực tư phát triển, thu hút được nhiều con em của những gia đình có điều kiện, gánh nặng cho ngân sách giáo dục sẽ giảm, nhà nước có điều kiện chăm lo tốt hơn cho hệ thống công lập.

Những dấu mốc đáng nhớ

Sau hơn 2 năm ấp ủ, gần 50 ngày đêm chuẩn bị, ngày 6.9.1922, Trường phổ thông dân lập cấp 2 - 3 Marie Curie long trọng tổ chức lễ khai giảng đầu tiên.

Năm 2000, ngoài cơ sở Khương Đình (cấp 2), Trường có thêm cơ sở tại phố Trần Quốc Toản (cấp 3).

Sau 9 ngày nghỉ học do cơ sở Khương Đình phải trả lại cho chủ quản, cơ sở cấp 2 chuyển về Trung Yên.

Năm 2010, Trường được TP.Hà Nội giao lô đất tại khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì để xây dựng trường. Đến năm 2014, cơ sở Mỹ Đình được khánh thành.

Năm 2017 khối tiểu học của Marie Curie 2 chính thức đi vào hoạt động.

Năm 2021 trường có thêm cơ sở Văn Phú (Hà Đông) dành cho học sinh cấp 2, cấp 3 tuyển sinh năm học đầu tiên.

Dự kiến năm 2023, hệ thống giáo dục Marie Curie sẽ có thêm cơ sở mới tại Việt Hưng (Q.Long Biên).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.