'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt:

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc

24/05/2023 09:19 GMT+7

Cách TP.Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 20 km về phía nam có một ngôi trường khá đặc biệt với cái tên Trường tiểu học Khánh Hòa - Jeju.

Dấu ấn hữu nghị Việt - Hàn

Nằm ở thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, H.Cam Lâm, nép mình bên đường lên núi Hòn Bà, Trường tiểu học (TH) Khánh Hòa - Jeju khang trang giữa xung quanh núi đồi, nương rẫy của đồng bào dân tộc Raglai. Ngôi trường được khánh thành ngày 29.2.2012 do Hiệp hội Kỷ niệm Kim Man-duck (Hàn Quốc) tài trợ, với tổng mức đầu tư 9,3 tỉ đồng. Trường có 8 phòng học, 2 phòng nghệ thuật, 1 sảnh đa năng và khối phòng hành chính.

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc - Ảnh 1.

Học sinh Trường TH Khánh Hòa - Jeju tham quan, giao lưu bên Hàn Quốc

Cô hiệu trưởng Võ Thị Thanh Hương, người gắn bó từ ngày đầu trường thành lập tới nay, kể: Để ghi nhớ sự hỗ trợ quý báu của Hiệp hội Kim Man-duck, lưu dấu tình hữu nghị VN - Hàn Quốc, trường được đặt tên Khánh Hòa - Jeju (Jeju là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc). "Trường TH Khánh Hòa - Jeju tiền thân là điểm trường của Trường TH Suối Cát, với đặc thù 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Từ khi có trường mới, học sinh đến trường nhiều hơn, hạn chế tình trạng bỏ học. Công tác dạy và học của nhà trường cũng được cải thiện hơn rất nhiều", cô Hương chia sẻ.

Sau khi thành lập, giữa Trường TH Khánh Hòa - Jeju và Trường TH Halla (tỉnh Jeju) đã ký bản ghi nhớ kết nghĩa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, dạy và học, cũng như tìm hiểu về văn hóa, giáo dục của hai nước. Từ năm 2012, giữa hai trường đều có sự qua lại luân phiên. Mỗi đợt đi Hàn Quốc, Trường TH Khánh Hòa - Jeju sẽ có 10 học sinh và 5 giáo viên. Thời gian đi trong khoảng 5 ngày, tất cả chi phí đều do phía Hàn Quốc tài trợ.

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc - Ảnh 3.

Học sinh Hàn Quốc qua Trường TH Khánh Hòa - Jeju giao lưu

Nhà trường cung cấp

Cô Hương chia sẻ, chuyến đi Hàn Quốc nào cũng mang lại nhiều kỷ niệm, nhưng điều cô ấn tượng nhất chính là sự cởi mở, thân thiện, nhiệt tình và chu đáo của phía Hàn Quốc trong việc tiếp đón đoàn của VN. Cô Hương cũng rất tự hào với học sinh của mình vì các em học hỏi rất nhanh và rất tự tin khi giao lưu với các bạn bên Hàn Quốc. Trước khi đi, nhà trường cũng tập cho các em một số câu tiếng Hàn đơn giản như: "Xin chào", "Cảm ơn", "Khen món ăn ngon"… bởi khi qua bên Hàn Quốc, các em sẽ ở và sinh hoạt cùng với gia đình phụ huynh phía Trường TH Halla. 

"Ở bên đó các em được gia đình Hàn Quốc dẫn đi ăn uống, mua sắm, đi chơi công viên… Đặc biệt là bên Hàn Quốc họ dạy trẻ em kỹ năng sống rất tốt, rất hiếu khách, dù còn nhỏ thôi nhưng rất thân thiện, cởi mở với học sinh của mình", cô Hương kể.

Ở chiều ngược lại, giáo viên, phụ huynh, học sinh Trường TH Halla sang VN cũng được đón tiếp rất thân tình, cởi mở và ấm áp. Hằng năm có thêm các đoàn sinh viên, bác sĩ Hàn Quốc đến trường để làm tình nguyện và có các hoạt động như dạy vẽ, dạy kỹ năng sống, khám bệnh cho học sinh. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hoạt động này đã bị tạm ngưng.

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc - Ảnh 3.

Học sinh Trường tiểu học Khánh Hòa – Jeju

Thế Quang

Cô Võ Thị Thanh Hương cho biết Trường TH Khánh Hòa - Jeju được thành lập từ sự kết nối của một doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc KCN Suối Dầu (H.Cam Lâm) với Hiệp hội Kỷ niệm Kim Man-duck. Hiệp hội đã liên hệ với Khánh Hòa chọn địa điểm xây dựng. Tiêu chí để nhận tài trợ phải là ở vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tỉnh Khánh Hòa sau đó đã giới thiệu về H.Cam Lâm và huyện đã chọn Trường TH Suối Cát, và Trường TH Khánh Hòa - Jeju ra đời từ đó.

Từ khi kết nối, giao lưu với Trường TH Halla, đến nay đã có khoảng 60 học sinh tiểu học cùng 20 giáo viên của trường đi Hàn Quốc. Trường hiện có 24 cán bộ, giáo viên và 276 học sinh người dân tộc Raglai.

Mỗi chuyến đi, học sinh càng tiến bộ hơn

Cô Hương nhận xét, điều các em học hỏi lớn nhất qua mỗi chuyến đi chính là học được nhiều kỹ năng trong ứng xử, giao tiếp, sử dụng các thiết bị hiện đại ở nơi công cộng, siêu thị… Khi về nước, các em tiến bộ về nhiều mặt như học tập tích cực hơn, ý thức được nâng lên và đặc biệt làm gương cho các bạn trong việc giữ gìn vệ sinh trường lớp, nhà ở.

Nhà trường cũng yêu cầu sau mỗi chuyến đi, các em phải viết nhật ký cảm nhận của mình. Từ đó, các em so sánh với cuộc sống hiện tại của mình để thay đổi những thói quen, phong tục tập quán theo hướng tích cực hơn…

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc - Ảnh 5.

Trường TH Khánh Hòa - Jeju được xây lên bằng tình hữu nghị của hai nước VN - Hàn Quốc

Thế Quang

Ông Trần Trung Hà, Phó phòng GD-DT H.Cam Lâm, đánh giá Trường TH Khánh Hòa - Jeju là một điểm sáng trong công tác dạy và học những năm qua. Tuy học sinh của trường 100% là người dân tộc thiểu số Raglai nhưng các em đã luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập và đạt nhiều thành tích khá. Về việc kết nối, giao lưu với Hàn Quốc, ông Hà cho hay đây là hoạt động rất bổ ích, thiết thực, không chỉ giúp các giáo viên được tiếp cận, học hỏi từ môi trường giáo dục hiện đại, mà còn giúp học sinh của trường được mở mang thêm kiến thức, học hỏi từ các bạn người Hàn Quốc những kỹ năng sống, được tiếp cận công nghệ hiện đại, từ đó giúp các em có cái nhìn khác về cuộc sống xung quanh, đồng thời còn giúp các em tự tin, hòa đồng, cởi mở, thân thiện hơn trong cuộc sống.

Em Mang Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 11 Trường dạy nghề Cam Lâm, vẫn còn nhớ như in chuyến đi Hàn Quốc năm 2017, khi đó Tâm đang học lớp 5 ở Trường TH Khánh Hòa - Jeju. Được lựa chọn để đi Hàn Quốc, Tâm rất háo hức nhưng cũng không ít lo lắng, bởi đây là lần đầu tiên em xa nhà, lần đầu tiên đi máy bay, rồi không biết nói chuyện thế nào với các bạn bên đó… Thế nhưng khi qua Hàn Quốc, sự hòa đồng, cởi mở của các bạn Trường TH Halla khiến Tâm cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. "Em được ở với gia đình một bạn tại Hàn Quốc, họ dẫn em đi chơi, mua sắm, ăn uống. Tuy không nói chuyện được nhiều nhưng em với bạn người Hàn Quốc cũng có thể giao tiếp bằng cử chỉ, hành động. Bạn ấy cùng cha mẹ rất quý mến em và coi em như thành viên trong gia đình khiến em cảm thấy rất hạnh phúc", Tâm chia sẻ.

Còn em Mấu Thị Bích Trâm cho biết chuyến đi Hàn Quốc năm 2017 là trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời em. Vốn quen với cuộc sống nơi núi rừng nên chuyến đi Hàn Quốc năm lớp 4 là lần đầu Trâm được đi máy bay đến một đất nước xa xôi. "Bên đó phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, đời sống hiện đại. Mới đầu em còn bỡ ngỡ, rụt rè nhưng được sự giúp đỡ của các bạn Hàn Quốc, em cũng tự tin lên rất nhiều, các bạn ấy luôn hỏi thăm em, hướng dẫn em đi tham quan, mua sắm. Chuyến đi tuy ngắn nhưng đã mang đến cho em rất nhiều điều bổ ích học hỏi được từ các bạn", Trâm nói.

Ngôi trường tên Jeju và chuyện học sinh Raglai đi Hàn Quốc - Ảnh 7.

Em Mang Thị Thanh Tâm xem lại các tấm ảnh trong chuyến đi Hàn Quốc năm 2017

Thế Quang

Cô Hương kể thêm, trong 1 - 2 năm đầu, khi đưa học sinh qua Hàn Quốc để giao lưu thì phụ huynh các em rất lo lắng bởi họ đã quen với cuộc sống nương rẫy, khi nghe tin con mình đến một đất nước xa lạ thì nhất quyết không cho đi vì sợ… mất con. 

"Thế rồi nhà trường phải tổ chức đi vận động, thuyết phục tới từng gia đình để họ hiểu, sau đó trường cũng phải ký cam kết với phụ huynh cho họ yên tâm. Sau khi con mình trở về, thấy tiến bộ, mở mang về nhiều mặt, hiện nay nhiều gia đình lại mong muốn con em mình được lựa chọn để đi Hàn Quốc", cô Hương chia sẻ.

11 năm qua kể từ khi thành lập đến nay, Trường TH Khánh Hòa - Jeju đã trở thành biểu tượng và cầu nối của tình hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Jeju trong hiện tại cũng như tương lai. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.