Ngọn đèn dầu trên rẫy của nhà vô địch tuần Đường lên đỉnh Olympia

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/01/2019 10:17 GMT+7

Tôi nghe đồng nghiệp nhắc đến một hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ của mọi người: “Một cô gái thông minh, giỏi giang, từng vô địch tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2010 nhưng bất hạnh…”.

Vậy là tôi xin số điện thoại và khoác ba lô, lên đường, tìm gặp.
Tôi không nghĩ nhiều về cô bé này dọc hành trình, bởi mình cũng đã từng tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, khó khăn trước đó. Thế nhưng, suốt đường về, sau khi thăm em và mẹ của em, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, trong tôi cứ trở đi trở lại câu hỏi “Tại sao?”.
Đó là Nguyễn Bảo Thuận Kiều, 27 tuổi, sinh năm 1992, từng phải nghỉ học một năm lớp 8 vì hoàn cảnh quá khó khăn. Cha mất từ khi Kiều mới 5 tuổi, mẹ phải dắt Kiều đi khắp nơi làm thuê, kiếm sống qua ngày. Kiều lên 9 tuổi, mẹ đi bước nữa với một người đàn ông ở Đồng Nai, để được sống gần mẹ và đến trường, Kiều buộc phải lên rẫy ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, sống trong một túp lều tạm bợ, thiếu thốn đủ đường, ăn không đủ no và hoàn toàn không có điện lưới.
Cha dượng khó khăn, nhiều lần chứng kiến mẹ bị dượng đánh hay mắng chửi không ra gì, Kiều chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Dù ở cùng một rẫy, ban ngày Kiều cùng mẹ trồng trọt, phun thuốc trừ bệnh và thu hoạch trái cây quanh năm ngày tháng nhưng lều của mẹ ở riêng, lều của Kiều ở riêng, cách khá xa nhau. Tối tối, bóng đêm bao phủ khắp núi rừng, Kiều chong đèn dầu học bài, muỗi nhiều như nắm được trong bàn tay, côn trùng rền rĩ.
“Lúc đó, em chỉ nghĩ đến là mình phải học, học sao cho thật giỏi, thi thật nhiều cuộc thi để có tiền thưởng, có tiền rồi mới mua được cho mẹ những bữa ăn ngon, cho đời mẹ bớt khổ. Em đăng ký đi thi Đường lên đỉnh Olympia, dượng không đồng ý, nói đi thì phải biến khỏi rẫy ngay, nhưng em quyết đi. Ngày em thi, mẹ ngồi ở dưới trường quay khóc, còn em lòng cũng rối bời. Nhưng em phải thắng để mẹ được cười ”, Kiều nghẹn ngào. Kiều nhắc, có lần, mẹ đói, thèm một chén xôi đậu đen nhưng không có tiền mua. Nhiều lần khác, bị dượng nhốt trong lều, không có gì ăn mẹ phải làm thịt những con cóc ở góc nhà ăn nếu không sẽ chết đói…
Mẹ Kiều bảo, lúc nào cũng mong mình sớm khỏe để con gái đỡ vất vả
Ảnh: Thúy Hằng
Cô gái trẻ ngồi trước mặt tôi rơi nước mắt kể về bất hạnh của mình, còn tôi, ngồi trước mặt Kiều cũng đã lặng đi trước những gian nan em đã trải qua, cả nghị lực và sự hiếu thảo cô con gái dành cho mẹ. Món quà khi Kiều vô địch cuộc thi tuần Olympia năm 2010 em tặng mẹ, là một nồi xôi đậu đen, cả một chiếc radio chạy bằng pin, để mẹ con được nghe về thế giới bên ngoài giữa nương rẫy tăm tối, ngập tràn nước mắt và đắng cay, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Bây giờ thì Kiều và mẹ phải đương đầu với một cuộc chiến mới, gay go hơn cả chống lại đói, nghèo, bạo lực trên nương rẫy Vĩnh Cửu: ung thư. Ở tuổi 59, mẹ Kiều, bà Nguyễn Thị Thuận đang chiến đấu từng ngày với ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Họ đang thuê trọ trong gian nhà nhỏ xíu ở ấp Phú Thọ, xã Phú Chánh, H.Tân Uyên, Bình Dương.
Thời gian của mẹ tính bằng ngày, tháng, trong khi Kiều, ở tuổi 27, tốt nghiệp ngành tiếng Anh và tiếng Nga, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chưa có một công ăn việc làm ổn định, em đi làm gia sư trong xã kiếm tiền lo thuốc thang và nuôi mẹ. Những ngày này, bệnh của mẹ trở nặng hơn, có khi cả đêm không thể chợp mắt vì cơn đau quằn quại, Kiều bóp tay bóp chân cho mẹ, không cầm lòng được phải chạy ra ngoài hiên nhà, cắn chặt răng để khóc không thành tiếng.
Ngày hôm nay, tôi và các bạn thức giấc và thấy mình bình yên trong căn nhà, những người thân của chúng ta đều khỏe mạnh, hãy thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới. Cách Sài Gòn hơn 60 km thôi, Kiều, cô gái thông minh, tài năng 27 tuổi đang gồng mình đi tìm sự sống cho mẹ, khi hai mẹ con không có một mái nhà và trong túi đã sắp cạn tiền…
Tôi trở về nhịp sống bận rộn hàng ngày, lòng vui một chút khi nghe Kiều nhắn tin, có người này tới hỏi thăm, người kia muốn tặng em một chiếc laptop, giúp đỡ cho công việc tương lai. Tôi nguyện cầu, sẽ còn nhiều điều kỳ diệu nữa sẽ đến với Kiều và mẹ.
Từng lời em nói với tôi ngày gặp gỡ còn vang đâu đây: “Em chỉ cần có mẹ thôi, chỉ cần mẹ khỏi bệnh, em sẽ đi làm, sẽ kiếm được tiền nuôi mẹ. Em có sức khỏe, có kiến thức, em sẽ làm được, chỉ cần mẹ đừng chết, đừng bỏ em bơ vơ giữa cuộc đời này…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.